Ðổi mới mạnh mẽ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Ðổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại là yêu cầu quan trọng đối với công tác giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 21.6.2021, Chính phủ ban hành Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2026” (sau đây gọi tắt là Đề án). Việc triển khai thực hiện Đề án có ý nghĩa quan trọng trước yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Phát huy tối đa năng lực sáng tạo
Đề án đã nêu rõ ràng, cụ thể các quan điểm chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị (LLCT) theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại. Đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hội thi Học viên giỏi lý luận chính trị lần thứ I - năm 2021 do Trường Chính trị tỉnh tổ chức. Ảnh: HOÀNG ĐỨC NGỌC
Đồng thời, đổi mới về nội dung, cải tiến về phương pháp giảng dạy theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng loại đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tối đa năng lực tư duy sáng tạo của người học; rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và xử lý, giải quyết các tình huống nảy sinh trong thực tiễn; đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, trang bị tư duy, tầm nhìn chiến lược cho cả người dạy và người học.
Đáng chú ý, nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên thông, phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tránh lãng phí các nguồn lực và không trùng lặp, chồng chéo về nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng.
Về giải pháp, quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, các thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng các chương trình, giáo trình, giáo án điện tử, quản lý các hoạt động giảng dạy và học tập tại hệ thống Học viện và các trường chính trị.
Cùng với đó là đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong đó, trọng tâm là xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giảng viên về đổi mới phương pháp giảng dạy và sử dụng chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng của toàn bộ các hệ đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống Học viện, các trường chính trị và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Triển khai các nội dung đảm bảo chất lượng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra; đổi mới nội dung, hình thức thi, kiểm tra, đánh giá thực chất “học thật, thi thật, kết quả thật”.
Nỗ lực “làm mới” chính mình
Ngày 14.6.2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng các lớp tập huấn giáo trình trung cấp LLCT cho hệ thống các trường chính trị, trường bộ, ngành trên toàn quốc. Lần đầu tiên, lớp tập huấn giáo trình được tổ chức với hình thức trực tuyến, sử dụng phần mềm Microsoft Teams để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tại điểm cầu Trường Chính trị tỉnh, toàn thể giảng viên và cán bộ nghiên cứu đã tham dự hoạt động này.
Trước đó, đầu tháng 4, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức hội thi Học viên giỏi LLCT lần thứ I - năm 2021. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phan Thanh Nhất, đây chính là những nét mới mẻ trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng LLCT trong tình hình hiện nay.
“Đề án đi vào thực tế sẽ nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên LLCT của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các trường đại học, cao đẳng trong phạm vi cả nước. Thực hiện Đề án, từng trường chính trị phải nỗ lực không ngừng để “tự làm mới” chính mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn”, ông Nhất nói.
Còn Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Chính trị tỉnh) Lê Văn Minh cho rằng, Đề án ra đời đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện để người học rèn luyện tư duy, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là khả năng vận dụng, liên hệ ngay những điều đã học với thực tiễn trong quá trình học.
“Triển khai Đề án cũng đặt ra yêu cầu nâng cao trình độ, kỹ năng đối với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên. Từng người phải tự bồi dưỡng, tự đào tạo, cập nhật kiến thức hoặc chủ động đăng ký học các lớp nâng cao trình độ để đáp ứng các yêu cầu của Đề án”, ông Minh chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG