Bộ trưởng Y tế: “Nhiều thay đổi trong chống dịch ở TP HCM”
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại TPHCM liên quan đến một số thay đổi lớn trong công tác phòng chống dịch.
Sáng 9.7, Bộ trưởng Long họp với Bộ phận thường trực hỗ trợ TP HCM chống dịch và các đơn vị chuyên môn, để thảo luận các hướng dẫn với TP HCM nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16 trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng Long, có nhiều thay đổi trong chuyên môn phòng dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng vaccine ở TP HCM. Trong đó, cách ly, xét nghiệm là hai vấn đề nổi cộm nhất.
Về cách ly, với khu vực nguy cơ rất cao (tức là khu vực phong tỏa), F1 được cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài.
Với khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, đặc biệt F1 lưu trú tại các gia đình đông người, tại các khu chung cư, tập thể, thực hiện cách ly tập trung theo quy định.
Về xét nghiệm, 24 đội công tác của Bộ Y tế và Bộ phận thường trực đặc biệt giúp TP HCM điều phối (máy móc, nhân lực, chuyên môn lấy mẫu) xét nghiệm. Trong đó, giao phòng xét nghiệm Covid-19 cho các quận, huyện để tiếp nhận mẫu và gửi trả kết quả nhanh, giảm từ 24 giờ xuống 12 giờ.
Bộ trưởng yêu cầu Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế phải kiểm tra giám sát các phòng xét nghiệm để bổ sung, điều phối máy tới nơi có nhân lực đảm bảo điều kiện xét nghiệm.
Với khu vực vùng có nguy cơ rất cao: Lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình. Với khu vực nguy cơ cao tần suất lấy mẫu 7 ngày/lần, có thể tăng tần suất nếu điều kiện cho phép.
Với khu vực còn lại: Lấy mẫu đại diện hộ gia đình, trong đó chọn người hay đi ra ngoài, có mức độ giao lưu tiếp xúc nhiều để lấy mẫu.
"Về phương thức lấy mẫu, với khu vực nguy cơ rất cao và cao, lấy mẫu tại hộ gia đình, không tổ chức thành các điểm lấy mẫu", Bộ trưởng nhấn mạnh. "Test nhanh thì trả ngay kết quả cho hộ gia đình, nếu làm RT-PCR thì chỉ gộp mẫu trong gia đình đó mà không gộp với hộ gia đình khác".
Bộ trưởng cho rằng tổ chức các tổ lấy mẫu (2 người/tổ) phải rất lớn thì mới đáp ứng được yêu cầu này. 2.500 tổ hiện tại là chưa đủ, do đó, phải điều phối nhân lực lấy mẫu.
Bộ trưởng nói: "Không thể kéo người dân ra ngoài, tụ tập để lấy mẫu. Nếu không sẽ không còn ý nghĩa nào trong chống dịch".
Đối với các khu vực khác, lấy mẫu, gộp mẫu, ông Long khuyến cáo không nên gộp mẫu quá nhiều người trong hộ gia đình để tăng tốc độ trả kết quả và truy lại kết quả nhanh hơn.
Về sinh phẩm xét nghiệm, sẽ sử dụng 2 phương pháp là RT- PCR và kháng nguyên nhanh để trả kết quả càng nhanh càng tốt.
Về điều trị, với các trường hợp F0 không triệu chứng, Bộ trưởng yêu cầu TP HCM cần chuẩn bị và sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu từ các cơ sở trên địa bàn như khu ký túc xá, khu tái định cư, nhà thi đấu... Khu điều trị này phải phân tầng, phân theo phòng theo thời gian bệnh nhân phát hiện dương tính và nhập viện.
Với bệnh nhân có triệu chứng, tiến triển nặng, cần xây dựng bệnh viện dã chiến, hoặc thiết lập các bệnh viện điều trị Covid-19 từ các bệnh viện hiện có trên địa bàn, chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị. Tùy theo điều kiện thực tế, cơ sở hạ tầng, có thể thiết lập Khu vực Hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng tại các bệnh viện này. Trong đó, cần thiết kế 50% công suất giường dành cho bệnh nhân nặng.
Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, bảo đảm ít nhất 1.000 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới TP HCM, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định... với đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục và ECMO.
Về tiêm vaccine, Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cấp vaccine cho TP HCM. Thành phố phải tổ chức tiêm theo chiến dịch nhưng có điểm khác so với trước đây. Theo đó, khu vực nguy cơ rất cao và cao, nên tổ chức thành nhiều điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi cần thiết, chia thành nhiều khung giờ để đảm bảo giãn cách. Bộ Y tế sẽ điều khoảng 30 xe tiêm lưu động và ngày 10.7 sẽ bàn giao thí điểm cho TP HCM.
"Điểm tiêm lưu động càng nhỏ, bám vào các hẻm nhỏ càng tốt", Bộ trưởng lưu ý.
Với các khu vực còn lại, cần tổ chức hai hình thức tiêm (cố định và lưu động), tuy nhiên đặc biệt lưu ý không tổ chức điểm tiêm có đông người.
Từ 0h ngày 9.7 TP HCM giãn cách theo chỉ thị 16 toàn thành phố, trong bối cảnh ghi nhận gần 10.000 ca nhiễm tính đến trưa cùng ngày. Đây là lần thứ hai TP HCM áp dụng giãn cách toàn thành kể từ tháng3-4 năm ngoái. Gần 2 tháng qua, thành phố áp dụng giãn cách theo chỉ thị 15 và 16, chỉ thị 10 của thành phố cho từng khu vực nguy cơ dịch.
Theo Lê Nga (VnE)