Rừng ven biển sẽ không còn nữa nếu…
Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng phòng hộ ven biển (RPHVB) thuộc địa phận hai xã Cát Chánh (Phù Cát) và Phước Hòa (Tuy Phước), nhưng rừng vẫn bị phá, dương (còn gọi cây phi lao) vẫn bị đốn hạ.
Hai phụ nữ đang vác trên vai 2 cây dương vừa mới chặt trong rừng. (Ảnh chụp sáng 24.2).
Hiện nay, hàng ngày, hàng chục người dân ở xã Phước Hòa (Tuy Phước), Cát Chánh, Cát Tiến (Phù Cát) vẫn vào khu vực RPHVB thuộc Dự án Phong điện (DAPĐ) Phương Mai 1 và Phương Mai 3 (thuộc địa bàn 2 xã Cát Chánh và Phước Hòa) chặt dương đem hầm than.
Sáng 24.2, khi có tại RPHVB thuộc địa phận thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa), chúng tôi gặp 2 phụ nữ vác trên vai 2 cây dương đường kính khoảng 10 cm - 15cm. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp, 2 phụ nữ vứt cây, nhanh chân bỏ chạy. Đi sâu vào thôn Huỳnh Giản Bắc, đến đâu cũng ngửi thấy mùi khen khét đặc trưng của than hầm bốc ra từ các lò hầm than nằm khuất bên trong vườn nhà của dân. “Những lò hầm than ấy sử dụng nguyên liệu gỗ dương do người dân chặt tại khu vực RPHVB thuộc DAPĐ Phương Mai 1 và Phương Mai 3”, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó thôn Huỳnh Giản Bắc - thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng DAPĐ Phương Mai 1, thừa nhận.
Trả lời câu hỏi vì sao rừng phòng hộ vẫn bị chặt phá nhiều như vậy, vì sao các lò than có thể ngang nhiên tồn tại như thế, ông Tuấn trần tình: Hiện nay, than có giá cao quá, hơn 8.000 đồng/kg nên người ta tìm mọi cách vào rừng chặt dương về hầm than. Họ không triệt hạ trắng cả vùng rộng lớn như trước kia nữa mà chỉ chặt tỉa từng cây. Thoạt nhìn, rừng còn xanh, nhưng thực tế vào sâu bên trong thì rừng bị chặt phá khá nhiều. “Chúng tôi canh giữ cả ngày, đêm; bắt được người chặt phá rừng, lập biên bản báo cho chính quyền địa phương đấy chứ. Nhưng chính quyền nói việc xử lý thuộc đơn vị được giao rừng (Công ty cổ phần Phong điện Phương Mai-PV). Ác nỗi, đơn vị này ở tận Hà Nội. Nói thật là tình trạng này khiến một số người trong tổ quản lý, bảo vệ rừng DAPĐ Phương Mai 1 nản lòng. Nhiều người xin nghỉ việc đấy, bản thân tôi cũng định xin nghỉ vì thấy tình hình phức tạp quá”, ông Tuấn cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Phan Trần Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc: “Chuyện người dân chặt phá rừng dương ven biển là có. Nhưng đâu có nóng như trước đây. Việc xử lý các đối tượng chặt phá rừng thiếu tính răn đe nên họ vẫn phá rừng”. Không hề ngần ngại, một số đối tượng chặt gỗ dương hầm than “bật mí”: Mình vào rừng có đoàn toán, nếu gặp bảo vệ rừng thì bỏ cây chạy, bảo vệ không dám đuổi theo đâu. Rủi bị bắt đang vác một vài cây cũng đâu ghép được tội phá rừng, phải bị bắt quả tang đang chặt kia, vả lại cùng lắm chỉ xử phạt hành chính hoặc nhắc nhở, giáo dục.
Như vậy, việc nhiều người chặt phá rừng, đốt than là chuyện sẽ còn dây dưa mãi. Mỗi ngày một ít, rừng ven biển sẽ không còn nữa nếu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để.
CÔNG LUẬN - LÊ THỤC
Một lý do rất đơn giản là Công tác vận động giáo dục nhân dân về ý thức chấp hành bảo vệ Rừng của Chính quyền sở tại là chưa thật tốt. Cán bộ thì mải mê lo công việc của cán bộ, người Dân thì cứ vào rừng đốn củi về hầm than. Đụng chuyện thì than Khó và chuyển chổ này đề nghị chỗ kia. Vậy Chủ nhân của những hầm than tại địa phương cán bộ chính quyền sở tại có biết của ai không? Có thật sự bám sát đời sống người Dân chưa?