Kỳ thú Lăng Ông Nam Hải
Tục thờ cá Ông (tức cá voi, cá heo, cá nhà táng và các loại cá lớn nói chung) là tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải, trong đó có Bình Ðịnh, theo ngư dân đây chính là hiện thân của thần Nam Hải, thần bảo trợ ngư dân. Rong ruổi đến các làng biển Bình Ðịnh tham quan nơi thờ cá Ông - mà ngư dân quen gọi tôn kính là Lăng Ông Nam Hải - nghe họ kể chuyện về văn hóa, tập tục miền biển cũng là cách thư giãn thú vị.
Lăng Ông Nam Hải vạn Hưng Lương ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2015. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Hầu hết tại các vạn chài trong tỉnh, ngư dân đều lập lăng để thờ cá Ông. Xưa kia các làng biển có thờ cúng cá Ông đều được triều đình Nhà Nguyễn sắc phong Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần. Thờ cá Ông là tín ngưỡng văn hóa dân gian gắn bó với sinh hoạt cộng đồng quan trọng ở vạn chài - lễ hội Cầu ngư - vì thế được ngư dân chung sức chung lòng bảo tồn, duy trì từ xưa tới nay.
Ngày trước làng biển Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) chia cách giữa Vũng Nồm và Vũng Bấc bởi đồi cát cao ngút, ngư dân xây dựng hai lăng tại vạn đầm Hưng Lương (Vũng Bấc) và vạn đầm Xương Lý (Vũng Nồm) để thờ cá Ông. Riêng lăng Ông ở vạn đầm Hưng Lương được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX trên một đồi cát cao với không gian khoáng đạt. Qua nhiều lần trùng tu, lăng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống cùng 6 sắc phong của triều Nguyễn. Hơn trăm năm qua, làng biển Nhơn Lý vẫn còn duy trì đội bả trạo do ngư dân địa phương đảm trách, phục vụ hát múa trong dịp lễ hội Cầu ngư - để tế thần Nam Hải và cầu mong một năm quốc thái dân an, trời êm biển lặng, ngư dân được mùa bội thu.
Bên trong Lăng Ông Đại ở Vĩnh Lợi thờ riêng bộ cốt cá Voi khổng lồ gắn với câu chuyện huyền bí do ngư dân lưu truyền về ông Đại. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ Nhơn Lý, men theo đường ĐT639 về làng biển Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, bạn sẽ thấy thích thú khi chạy xe vượt qua ba con đèo cao ven biển, vừa nghe “sóng ru gió hát” vừa check-in những khung ảnh đẹp trên đường đi. Ở Vĩnh Lợi hiện có hai lăng Ông đang lưu giữ vài chục bộ cốt cá voi, cùng 5 sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn. Trong đó, Hải Thánh Đường (lăng từ đường) được tạo lập vào năm 1791 là một trong những lăng Ông có kiến trúc độc đáo. Bên trong lăng, các cột kèo, khám thờ được chạm khắc công phu với những đường nét hoa văn cổ xưa; các phó bản sắc phong được phóng lớn lồng trong khung kính treo trang trọng để phục vụ khách tham quan, tìm hiểu văn hóa. Trong sân lăng có hai cây vông đồng (theo khẩu âm địa phương bà con thường gọi là cây dông, dông đồng) cổ thụ hơn trăm năm tuổi đứng sừng sững hai bên tỏa bóng mát tôn thêm nét đẹp cổ kính của lăng, trước lăng là đầm Đề Gi khoáng đạt với cảnh sắc non nước hữu tình.
Từ Hải Thánh Đường, rảo bước dọc theo những hàng dừa nghiêng mình che bóng mát, ra đến khu vực gần bến đò Vĩnh Lợi có lăng Ông Đại được xây dựng ở lưng chừng núi, mặt tiền hướng về đầm Đề Gi. Lăng Ông Đại thờ riêng một bộ cốt cá Voi khổng lồ được đặt trang trọng trong tủ kính để khách chiêm ngưỡng. Theo lời các cụ cao niên ở vạn chài Vĩnh Lợi, hàng trăm năm trước, Ông lụy (tức cá Voi bị nạn) dạt vào bờ biển Vĩnh Lợi. Do có chiều dài hơn 20 m, nặng hàng chục tấn, nên ngư dân chấn đăng đóng cọc tre dưới nước, bao lưới xung quanh để Ông tự tiêu hủy, rồi đưa bộ cốt về thờ ở Hải Thánh Đường; nhưng Ông báo mộng cho nhiều cụ trong vạn chài biết muốn được thờ riêng, nên ngư dân thống nhất xây dựng lăng để thờ riêng Ông Đại.
Lăng Ông Nam Hải vạn Kim Giao ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) là lăng còn lưu giữ nhiều sắc phong triều Nguyễn nhất trong các lăng Ông ở Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ Vĩnh Lợi, tiếp tục hành trình khám phá đến xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn). Xã Hoài Hải có 5 thôn, nhưng có tới 4 lăng Ông; trong đó, Lăng Ông Nam Hải vạn Kim Giao (thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải) được tạo lập năm 1852 và lần trùng tu gần nhất là vào năm 2015, hiện còn giữ được nguyên vẹn 9 sắc phong của các vua triều Nguyễn. Lăng vạn Kim Giao nằm trước biển với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Đến xã Hoài Hải, ngoài tham quan lăng Ông, bạn còn có thể khám phá thêm cảnh đẹp tại gành đá Diêu Quang, Bãi Cơm với vẻ đẹp quyến rũ, nguyên sơ của bức tranh tọa sơn ngọa thủy.
Ngoài lăng Ông, làng biển nào cũng có thêm đình, chùa, miếu, dinh với lối kiến trúc truyền thống, như có cổng tam quan uy nghi, khu nhà thờ chính, những cột trụ lớn được đắp vẽ long, lân, quy, phụng tinh xảo. Một ngày rong ruổi dọc các làng biển, bạn không chỉ khám phá nhiều danh thắng đẹp, mà còn cảm thấy thú vị vì hiểu thêm được nhiều về nét văn hóa của ngư dân.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN