Thực hiện luật cư trú (sửa đổi, năm 2020): Thuận lợi hơn cho người dân
Từ ngày 1.7, Luật Cư trú (sửa đổi, năm 2020) và Thông tư số 55/2021/TT-BCA của Bộ CA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú có hiệu lực. Theo đó, CA dừng cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Việc quản lý dân cư từ nay được chuyển từ hình thức văn bản truyền thống sang số hóa - thông tin về hộ khẩu và cư trú của người dân được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vậy là chính thức xóa bỏ một “di sản” của thời kỳ cũ, đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong phương thức quản lý xã hội theo xu hướng hiện đại của thế giới.
Theo nhận xét của các chuyên gia về luật và các ngành chuyên môn, chức năng, điểm ưu việt nhất, được dư luận xã hội đánh giá cao của Luật Cư trú mới (năm 2020) đó là bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tức là, Luật quy định công dân nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các tỉnh khác, đều thống nhất trên phạm vi cả nước và không có sự phân biệt (Điều 20 - Điều kiện đăng ký thường trú quy định: Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó). Đáng ghi nhận, công dân tại chỗ ở hợp pháp không thuộc sở hữu của mình (người ở nhà thuê, được cho mượn nhà, được cho ở nhờ…) cũng được đăng ký thường trú khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở đồng ý. Có thể nói, quy định mới này đã tạo bình đẳng cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt, là tin vui, chấm dứt những hạn chế, thiệt thòi cho người dân sinh sống lâu năm, mong muốn có hộ khẩu tại 2 thành phố lớn này.
Tồn tại hơn nửa thế kỷ, là điều kiện cần để có thể tiến hành mọi thủ tục hành chính: Làm Giấy CMND, sổ đỏ, đăng ký khai sinh, kết hôn…, quan trọng như vậy, sổ hộ khẩu là “vật bất ly thân” của người dân. Với phương thức quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư và xã hội được nâng lên một bước, không chỉ giảm kinh phí cho việc lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ mà còn thuận tiện trong kết nối, chia sẻ thông tin dân cư giữa các ngành, thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, từ đó hạn chế những tiêu cực phát sinh… Về phía người dân, được “giải phóng” khỏi các loại giấy tờ tùy thân quan trọng một cách đơn giản, thuận tiện (thay bằng chỉ cần cung cấp mã số định danh cá nhân) đã tạo điều kiện để người dân tiết kiệm thời gian và thực hiện các thủ tục giao dịch hành chính nhanh chóng, tiện lợi hơn. Đặc biệt, ý nghĩa quan trọng nữa của việc chấm dứt hộ khẩu giấy, chuyển sang số hóa hộ khẩu là đã xóa bỏ, san bằng khoảng cách về xuất thân và tạo bình đẳng cho mọi người dân. Sự thuận tiện, hiệu quả, tiến bộ, bình đẳng qua câu chuyện “sổ” hộ khẩu cũ và mới và những thay đổi của Luật Cư trú là ví dụ cho thấy sự đồng thuận, niềm tin của người dân vào một chính quyền luôn nỗ lực đổi mới trong quản lý, điều hành để phục vụ người dân tốt hơn.
Ðược biết, Bộ TN-MT mới đây đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đề nghị “sổ đỏ” ghi tên cả 2 vợ chồng nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ. Ðồng thời, tránh các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp về đất đai. Văn bản cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, về quyền của người phụ nữ đối với tài sản chung của vợ và chồng, trong đó có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi “sổ đỏ” để ghi cả tên vợ và chồng.
TƯỜNG MINH