Tín dụng chính sách xã hội: Lan tỏa rộng, hiệu quả thiết thực
Thực hiện Kết luận 06-KL/TW ngày 10.6.2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có công văn số 127-CV/TU với nhiều yêu cầu nhằm đảm bảo tính hiệu quả, sâu rộng của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao nhận thức và hành động
Tại Công văn 127-CV/TU ngày 23.6.2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và các văn bản của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH). Cần xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Từ Chỉ thị 40, các xã đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tín dụng chính sách xã hội, trong đó có tạo điều kiện về điểm giao dịch hằng tháng. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 06-KL/TW. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng CSXH; tạo điều kiện cho Ngân hàng CSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội, từng bước mở rộng đối tượng được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH cùng với các nguồn vốn khác nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH đặc thù, chủ động đề xuất các đề án, cơ chế cụ thể, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển KT-XH với tín dụng CSXH cho phù hợp với từng giai đoạn.
Mặt khác, cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong quản lý tín dụng CSXH, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH, thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay…
Thay đổi đời sống người nghèo
Đến tháng 6.2021, dư nợ tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh đạt 4.665 tỷ đồng. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn đã giải ngân đạt 8.644 tỷ đồng, đã giúp cho gần 578 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp gần 47.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 22.000 lượt hộ gia đình tại các vùng khó khăn được vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hơn 32.000 lao động; giúp hơn 1.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 17.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...
Vốn tín dụng CSXH đã tiếp sức các hộ nghèo, hộ khó khăn có thêm nguồn lực trên hành trình thay đổi cuộc sống. Anh Mai Văn Đức, 42 tuổi, ở thôn An Long 1, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, người vừa được giải ngân 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, cho biết: “Tôi đã đầu tư mua keo giống cho 3 ha đất rừng. Tiếp cận được với vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH là điều rất quý với tôi, bởi lãi suất ưu đãi mà lại không cần phải thế chấp”.
Nhờ vốn vay hộ nghèo, hộ dân ở TX Hoài Nhơn đã từng bước nhân rộng đàn bò, tạo nền tảng để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Để tăng cơ hội tiếp cận vốn vay của hộ CSXH, theo tinh thần của Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH. Sau hơn 5 năm, vốn địa phương ủy thác sang chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 305,6 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 329,15 tỷ đồng.
Tại TX Hoài Nhơn, từ đầu năm đến nay, vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH là 1,5 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2020. Ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH TX Hoài Nhơn, chia sẻ: “Để thể hiện sự quan tâm đến vốn vay CSXH, qua đó góp phần giảm nghèo, động viên người dân làm kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, đầu năm 2021, UBND thị xã đã trình HĐND thị xã thông qua kế hoạch ủy thác vốn ngân sách thị xã. Đến nay, Hoài Nhơn đã hoàn thành 100% kế hoạch ủy thác vốn”.
Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, trao đổi: “Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 đã có tác động sâu sắc đến hoạt động tín dụng CSXH. Thời gian đến, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác này”.
NGUYỄN MUỘI