Bà Liên “bếp từ thiện”
Bếp ăn tình thương của TTYT huyện Phù Cát đến ngày 9.7.2021 đã nấu bữa ăn từ thiện lần thứ 524 cho toàn bộ bệnh nhân và người nhà đang điều trị tại trung tâm này. Trong cả 524 lần đó, bà Nguyễn Thị Liên, 53 tuổi, ở thôn Phú Kim (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) đều “sắm vai”... bếp trưởng.
Bà từng là hộ lý của TTYT huyện Phù Cát, sau đó chuyển sang công ty làm dịch vụ vệ sinh cho trung tâm này. Hơn 2 năm trước, khi TTYT huyện Phù Cát xây bếp ăn tình thương, bà Liên nhận thêm vai trò “bếp trưởng”. So với nhiều người khác, bà có những “lợi thế” nhất định khi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ làm vệ sinh, có thể tranh thủ hỏi bệnh nhân muốn ăn gì, theo đó nấu ra những bữa ăn vừa miệng họ. Thời gian đầu, do kinh phí có hạn, bà Liên chỉ nấu được 2 - 3 bữa/tuần. Sau đó, qua tìm hiểu, bà chủ động đến nhà bà Tô Thị Thu Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tương chao đậu hũ 3 Phù Cát nhờ bà Nguyệt tiếp sức. Vậy là từ tháng 1.2021 đến nay, ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, Bếp ăn tình thương của TTYT huyện Phù Cát vẫn đỏ lửa đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu, đáp ứng nhu cầu ăn ngon miệng, đầy đủ dưỡng chất cho bệnh nhân.
Bà Liên (bên phải) múc và trao cháo cho bệnh nhân.
Có mặt tại TTYT huyện Phù Cát vì muốn làm chân phụ bếp, đúng 4 giờ 30 phút sáng 9.7, bà Liên và bà Nguyệt cùng lỉnh kỉnh rau, củ, sữa, chuối dạ hương xuất hiện cười chào tôi ngay lối ra vào. Phòng bếp khá rộng rãi, sạch sẽ, bà Liên bắt ngay 2 xoong nước, rồi vo gạo nấu cháo, tiếp đó, lấy thịt nạc, tim heo từ tủ lạnh ra, xắt nhỏ, xào với hành củ, hành lá. Vừa làm bà Liên vừa trò chuyện: Chiều nào tôi cũng gọi hỏi số lượng bệnh nhân, sáng nay có 150 người và tầm 40 - 50 người nhà. Tôi nấu lúc nào cũng dư dả bởi biết có một vài người ở xa, gia cảnh khó khăn nên người nhà ăn cùng luôn, cũng có người lấy dư để ăn trưa. Nấu riết rồi quen, tôi có thể áng chừng bao nhiêu người sẽ lấy thêm, ai thích nhiều hành, nhiều tiêu…
Đang kế bên, bà Nguyệt dừng tay, góp chuyện: Bếp này mà không có chị Liên chắc không duy trì được. Ngay cả thời điểm dịch Covid-19 hoành hành mà TTYT huyện sau khi xem xét nhiều mặt vẫn cho phép bếp đỏ lửa. Nhiều người thấy chị Liên làm, nghĩ chỉ rảnh rang lắm. Không thể ngờ là chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đơn thân nuôi 3 con từ nhỏ đến lớn ăn học đàng hoàng, căn nhà xây xong 10 năm vẫn chưa quét sơn do có bao nhiêu chị dành cho con ăn học hết. Đến giờ, cả ba con chị đều đã đi làm nhưng chị chưa chịu nghỉ bớt để giữ gìn sức khỏe mà còn muốn làm để hỗ trợ thêm cho các con.
Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau - tầm 6 giờ kém 15 phút, hai nồi cháo sôi sùng sục, bà Liên tắt bếp, bê ra chiếc bàn kê sẵn bên ngoài. Nhiều bệnh nhân cầm ca, tô đã đứng chờ sẵn. Bữa ăn hôm ấy, ngoài món cháo thịt nạc, tim heo còn có chuối dạ hương, sữa yến dùng kèm. Ra hiệu bảo tôi nhìn vào một vài bệnh nhân đang nghiêng đầu ngó vào bếp, bà Nguyệt bảo, họ muốn biết hôm nay ngoài cháo còn có gì nữa. “Món dùng thêm luôn “đầy bí ẩn” bởi không biết trước được. Chẳng hạn tối hôm qua, chủ tiệm tạp hóa gần nhà chở qua hai thùng sữa yến, bảo phát tâm muốn tặng bệnh nhân bồi dưỡng sức khỏe. Rồi chiều hôm trước, chị bán chuối ngoài chợ đem vào hai xách chuối to, bảo chuối đợt này thơm, dẻo quá, gửi tặng người bệnh một ít để làm phước…”, bà Nguyệt trò chuyện.
Lúc gần phát cháo, có thêm một số hội viên, tình nguyện viên của Chi hội Tương chao đậu hũ 3 Phù Cát đến phụ. Cầm ca cháo nóng hổi, ông Nguyễn Lân, 83 tuổi ở thị trấn Ngô Mây quay sang bà Liên bảo: “Tôi là khách quen của bà”. Lớn tuổi lại bị tai biến nên ông ra vô trung tâm này suốt. “Có điều sao về nhà thấy ăn không ngon miệng, lại muốn vô đây ăn cháo, có hôm thì nấu cơm trưa, cơm chiều, cơm chay, cơm nào cũng ngon miệng tôi hết”, ông Lân móm mém cười nói vậy.
7 giờ kém, bà Liên đã dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ. Trước khi ra về, bà không quên cầm thêm hai bịch cháo đã múc để sẵn. “Hai vợ chồng này từng vào đây điều trị tai biến, giờ lớn tuổi quá rồi, đi lại khó khăn nên nằm luôn ở nhà. Ngày nào họ cũng muốn ăn cháo tôi nấu nên trông tôi mang đến. Cứ kiểu vầy, nếu nguồn lực đảm bảo, chắc tôi nấu hoài, đến khi nào không làm nổi nữa mới chịu ngưng quá”, bà Liên cười hiền, nói từ lòng như vậy.
NGỌC TÚ