Phòng bệnh giãn phế quản
Giãn phế quản là một trong 3 bệnh hô hấp gây ho ra máu thường gặp ở nước ta (lao phổi, ung thư phổi và giãn phế quản). Triệu chứng thường gặp của giãn phế quản là ho khạc đàm nhiều, đàm có mủ hôi, khi để lắng đàm có 3 lớp (lớp bọt, lớp nhầy mủ và lớp mủ đục); ho ra máu lặp đi, lặp lại, kéo dài; đau ngực, khó thở; sốt khi bị nhiễm khuẩn hô hấp; phổi có âm thở bất thường; da xanh tím, móng tay khum, ngón tay dùi trống nếu bệnh diễn tiến kéo dài có suy hô hấp, tâm phế mạn.
Theo bác sĩ Bành Quang Khải, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, nguyên nhân thường gặp nhất gây giãn phế quản là nhiễm khuẩn ở phổi, bao gồm các vi rút cúm và vi khuẩn (tụ cầu, lao...); cùng với một số nguyên nhân khác như sặc thức ăn hoặc vật lạ vào phổi, hít phải dịch axit dạ dày (bệnh trào ngược dạ dày - thực quản), bệnh xơ kén phổi, suy giảm miễn dịch... Giãn phế quản không được điều trị tốt dễ bị các đợt nhiễm khuẩn dẫn đến viêm phổi thùy, phế quản phế viêm, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi; bệnh kéo dài có thể dẫn đến suy hô hấp, tâm phế mạn. Ho ra máu có thể rất nặng, lượng máu mất nhiều đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Ðể phát hiện sớm bệnh giãn phế quản, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế khi có những dấu hiệu lâm sàng như ở trên và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Tùy theo mức độ ho ra máu, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị thích hợp. Việc điều trị bao gồm: Kháng sinh để chống nhiễm khuẩn; dẫn lưu đàm, thuốc làm loãng đàm; thuốc giãn phế quản khi cần; ô xy liệu pháp; điều trị cầm máu khi có ho ra máu. Phế quản bị giãn trong bệnh giãn phế quản không thể hồi phục, do đó, điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn hô hấp cũng như phòng bệnh rất quan trọng.
Bác sĩ Khải lưu ý, phòng bệnh giãn phế quản tốt nhất là không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều bụi khói; giữ vệ sinh răng miệng, tai mũi họng thật tốt. Ðiều trị triệt để nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng, bệnh về đường hô hấp. Hằng năm, tiêm phòng vắc xin cúm đề phòng những đợt bội nhiễm của giãn phế quản. Ðiều trị sớm lao sơ nhiễm ở trẻ em. Rèn luyện thân thể thường xuyên để tăng sức đề kháng; đề phòng và lấy sớm các dị vật phế quản.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)