Thực đơn cho người bệnh gút
Tuy không chữa được bệnh gút nhưng chế độ ăn kiêng có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu, hỗ trợ giảm nguy cơ tái phát đợt gút cấp và làm chậm sự tiến triển của tổn thương khớp ở người bệnh.
Các nguyên tắc chung của chế độ ăn kiêng bệnh gút tuân theo các khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh có lợi cho sức khỏe.
Đa dạng các nguồn tinh bột và đường: Ăn nhiều trái cây, rau, gạo lứt và ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp đa dạng carbohydrate; tránh thực phẩm và đồ uống có si rô bắp có hàm lượng đường cao, hạn chế uống nước ép trái cây ngọt tự nhiên. Giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách uống nước; cắt giảm chất béo bão hòa từ thịt đỏ, thịt gia cầm béo và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo; tập trung vào thịt nạc và thịt gia cầm, sữa ít béo và đậu lăng là nguồn cung cấp protein tốt, phù hợp cho bệnh gút.
Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhân purin trong bữa ăn hằng ngày: Thịt đỏ và nội tạng (gan, thận, lòng…) có nhiều chất béo bão hòa; hải sản (tôm hùm, tôm, cá mòi, cá cơm, cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá tuyết); đồ uống có đường và thực phẩm có nhiều đường; thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp) và đường tinh luyện; rượu, đặc biệt bia và rượu mạnh.
Thực phẩm có thể hỗ trợ giảm nồng độ axit uric bao gồm: Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua và pho mát; dầu thực vật; đậu (đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan và đậu lăng); rau xanh; trái cây, đặc biệt những loại quả có nhiều vitamin C, chất xơ và hàm lượng đường thấp (cam, quýt, ổi, thanh long, dứa); ngũ cốc, gạo lứt; nước lọc; thịt nạc (chẳng hạn như thịt gà); trứng; cà phê...
Theo suckhoedoisong.vn