Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập: Giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải
Yêu cầu quan trọng trong quá trình sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập là phải giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Lộ trình phù hợp, quyết tâm cao
Thời gian qua, hoạt động sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm. Cơ sở để triển khai hoạt động này là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.
Là đơn vị cung cấp dịch vụ công thiết yếu, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) sẽ được giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy.
- Trong ảnh: Chương trình tư vấn hướng nghiệp của Trung tâm tổ chức năm 2020. Ảnh: HỒNG PHÚC
Ngày 17.7.2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Kế hoạch số 35-KH/TU của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW. Sau 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã thực hiện giảm 119 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành so với năm 2015 (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc các chi cục) và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện; chuyển 4 đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần; thực hiện thủ tục giải thể 2 đơn vị hoạt động không hiệu quả; chuyển 12 đơn vị sang thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhà nước không giao biên chế.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng tinh gọn hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch định hướng mạng lưới các ĐVSNCL gắn với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh theo định hướng quy hoạch của bộ, ngành Trung ương.
Các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng kế hoạch, đề án tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL trực thuộc nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.
“Người đứng đầu các ĐVSNCL tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp và quyết tâm cao, quyết liệt, hiệu quả trong việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các ĐVSNCL”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Giữ nguyên các đơn vị cung ứng dịch vụ công cơ bản, thiết yếu
Về phương án sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trong thời gian đến, UBND tỉnh quyết định tạm thời giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công, Cơ sở cai nghiện ma túy (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH); Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định y khoa (trực thuộc Sở Y tế). Hiện nay, các đơn vị này đều có số biên chế không đảm bảo điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp theo quy định (dưới 15 biên chế). Tuy nhiên, việc giữ lại các đơn vị này là cần thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả đối với lĩnh vực quản lý, chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là cung ứng dịch vụ công cơ bản, thiết yếu. Các đơn vị này sẽ thực hiện việc sắp xếp sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực.
Với các đơn vị làm nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế nông lâm nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, quản lý cảng cá, sẽ tiến hành sắp xếp, tổ chức lại theo hướng chuyển mạnh sang thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính hoặc chuyển sang công ty cổ phần đối với các đơn vị có đủ điều kiện. Các trung tâm giống nếu chưa đủ điều kiện để chuyển sang công ty cổ phần thì thực hiện hợp nhất để tinh gọn đầu mối và thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo lộ trình.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có theo hướng hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng dựa vào cộng đồng, hình thành trung tâm bảo trợ đa chức năng. Không thành lập mới các tổ chức bảo trợ xã hội công lập. Đầu tư phát triển Trung tâm chăm sóc và điều dưỡng người có công phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh theo Đề án của Bộ LĐ-TB&XH.
Đối với nhóm các ĐVSNCL còn lại sẽ thực hiện sắp xếp, tổ chức lại theo đúng quy định. Trong đó, sẽ hợp nhất Trung tâm Khuyến công- Tư vấn phát triển công nghiệp và Trung tâm Xúc tiến thương mại thành Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (thuộc Sở Công Thương), đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; giữ nguyên Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (thuộc Sở Du lịch) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư (thuộc Sở KH&ĐT).
Tính đến thời điểm ngày 31.12.2020, toàn tỉnh có 753 ÐVSNCL, trong đó cấp tỉnh có 84 đơn vị, cấp huyện có 669 đơn vị. Về mức độ tự chủ về tài chính, có 278 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 36,9%; 433 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chiếm 57,5%; 39 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm 5,2%; 3 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm 0,4%.
Các ÐVSNCL được giao 27.020 biên chế trong năm 2021; toàn tỉnh đã giảm 3.008/30.028 biên chế so với biên chế giao năm 2015, đạt tỷ lệ 10% theo quy định.
NGUYỄN VĂN TRANG