An Lão với mô hình ruộng lúa, bờ cau
Mô hình trồng cau lấy trái trên bờ ruộng lúa được nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện An Lão áp dụng, vừa tạo thêm nguồn thu nhập vừa có tác dụng dẫn dụ thiên địch đến ăn sâu rầy hại lúa và tạo cảnh quan môi trường xanh, đẹp.
Mô hình ruộng lúa, bờ cau làm đẹp đồng ruộng, giảm sâu bệnh cho cây trồng, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân ở An Lão. Ảnh: D. DIỆU
3 năm trở lại đây, học tập kinh nghiệm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, anh Đinh Văn Rơm (thôn 2, thị trấn An Lão) cũng như nhiều bà con người dân tộc thiểu số trong thôn chọn trồng cây cau lấy trái ven các bờ ruộng lúa. “Gia đình tôi đã gắn bó với cây cau hơn 30 năm nay. Cây cau chủ yếu được trồng ở vườn, đồi núi, nhưng gần đây, để tận dụng diện tích, gia đình tôi thực hiện mô hình trồng cau trên bờ ruộng với hơn 45 cây cau quanh 3 sào ruộng. Sau 3 năm, cây cau cho thu hoạch trái, trung bình mỗi cây khoảng 10 - 15 kg, thu về tầm 200 nghìn đồng. Vậy là ngoài cây lúa, gia đình tôi còn có thêm nguồn thu nhập khá từ cây cau trên bờ ruộng”, anh Rơm chia sẻ.
Hiện nay, hầu hết người dân ở các xã An Vinh, An Trung, An Quang... đã triển khai mô hình ruộng lúa, bờ cau. Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão, đánh giá, đây là mô hình sản xuất nông nghiệp vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, được ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân áp dụng và nhân rộng trên địa bàn huyện. Việc áp dụng mô hình giúp giảm ô nhiễm môi trường do sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, tạo được cân bằng sinh thái trên đồng ruộng qua việc quản lý dịch hại. Mô hình này rất có triển vọng, phù hợp với địa hình, khí hậu địa phương.
DIỆP DIỆU