Chấn chỉnh, xử lý hiện tượng “hiến đất” mở đường để tách thửa đất ở Phù Mỹ:
Không để trục lợi chính sách
Thời gian gần đây, phong trào “hiến đất” mở đường diễn ra khá nhiều trên địa bàn thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ). Sau khi mở đường đi, chủ sử dụng đất tiến hành tách thửa đất ở có diện tích lớn thành nhiều lô nhỏ để phục vụ mục đích riêng.
Gần đây, nhiều hộ dân ở các khu phố Trà Quang Nam, Diêm Tiêu, An Lạc Đông 2… (thị trấn Phù Mỹ) rất “tích cực” gửi đơn tới UBND thị trấn Phù Mỹ xin tự nguyện hiến một phần diện tích đất trồng cây hàng năm khác để làm đường đi. Những hộ này sở hữu đất ở cùng thửa đất vườn có diện tích lớn, thường từ 500 m2 trở lên (gồm 140 m2 đất ở, còn lại là đất vườn). Ngoài ra, một số cá nhân ở thị trấn Phù Mỹ kinh doanh bất động sản cũng thường tìm mua những thửa đất có diện tích lớn như vậy (đất vườn cùng đất ở), rồi sau đó thực hiện thủ tục hiến đất làm đường.
Một trường hợp tại khu phố Trà Quang Nam tự mở đường đi có chiều dài khoảng 40 m, rộng chừng 2,5 m; rồi tách thửa đất lớn thành các lô nhỏ để bán xây dựng nhà. Ảnh: CÔNG LUẬN
Đơn cử, tháng 2.2021, ông Đ.N.A và bà L.T.H.H có đơn xin hiến hơn 53 m2 đất trồng cây hàng năm khác thuộc mảnh đất rộng hơn 600 m2 của mình (thửa đất số 236, tờ bản đồ số 33, ở khu phố An Lạc Đông 2) để mở đường. Hay như bà N.T.T.H có thửa đất số 71, tờ bản đồ số 19, diện tích 1.021 m2, trong đó có 140 m2 đất ở (thuộc khu phố Diêm Tiêu), tháng 3.2021 cũng xin hiến hơn 188 m2 đất để làm đường.
Sau khi UBND huyện Phù Mỹ ban hành quyết định thu hồi đất, chủ sử dụng thửa đất tự đứng ra làm đường. Đường đi có chiều dài phụ thuộc vào chiều dài thửa đất, còn chiều rộng tầm 2 - 3 m. Khi đường đã mở, các cá nhân này thực hiện chuyển mục đích sử dụng toàn bộ diện tích còn lại của thửa đất sang đất ở. Sau đó, họ tiếp tục làm thủ tục tách thửa đất ở có diện tích lớn thành nhiều lô nhỏ để phục vụ mục đích riêng.
Được biết, các thủ tục hiến đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa được thực hiện khá thuận lợi. Đặc biệt, việc các cá nhân tự ý làm đường diễn ra suôn sẻ, dù cấp có thẩm quyền chưa thông qua kế hoạch sử dụng đất, cũng như quy hoạch, thiết kế làm đường. Thực trạng này khiến dư luận địa phương đặt vấn đề là lợi dụng chủ trương hiến đất mở đường để chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa nhằm trục lợi.
Theo ông Nguyễn Thành Khâm, Chủ tịch UBND thị trấn Phù Mỹ, tại địa phương có nhiều gia đình sở hữu diện tích đất vườn lớn cùng đất ở. Họ có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng sang đất ở và tách thành các lô nhỏ để cho con hoặc bán. Trong khi đó, theo quy định, muốn tách thửa đất ở thì phải có đường đi nên các chủ sử dụng đất làm đơn xin tự nguyện hiến đất mở đường.
“Để tạo điều kiện cho người dân, sau khi nhận đơn, thị trấn lập tờ trình gửi UBND huyện Phù Mỹ xem xét ra quyết định thu hồi đất; sau đó người dân tự làm đường. Các trường hợp xin mở đường đều có vị trí thửa đất nằm ở khu dân cư hiện hữu, không ảnh hưởng tới quy hoạch của địa phương”, ông Khâm nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đông Cường, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phù Mỹ, cho rằng: Đến nay, Phòng Kinh tế và Hạ tầng chưa nhận được đơn hoặc văn bản liên quan đến việc người dân xin hiến đất rồi sau đó tự mở đường. Theo quy định, việc mở đường giao thông phải có kế hoạch sử dụng đất, cũng như quy hoạch và thiết kế do Phòng xem xét, thẩm định.
Ông Cường cho biết thêm: “Quy hoạch mở đường giao thông nhằm phục vụ cho cộng đồng chứ không phải mục đích cá nhân. Nếu ai cũng xin hiến đất và sau đó tự mở đường sẽ dẫn đến tình trạng manh mún về lối đi, ảnh hưởng đến quy hoạch chung”.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, xác nhận: Sau khi phát hiện một số trường hợp xin hiến đất mở đường để tách thửa đất ở nhằm tư lợi, UBND huyện đã họp bàn, đưa ra biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Trước mắt sẽ dừng việc ban hành quyết định thu hồi đất để cá nhân tự mở đường phục vụ tách thửa đất ở. Ngoài ra, sẽ xem xét, đưa ra hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp đã mở đường.
Tại Công văn số 922/UBND-KT ngày 20.2.2020, UBND tỉnh nêu rõ: Chỉ thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao của gia đình, cá nhân trong cùng thửa đất có nhà ở hợp pháp sang đất ở cho gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương và thực sự có nhu cầu về chỗ ở (phải phù hợp với quy hoạch khu dân cư và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được xét duyệt). Ðối với đất nông nghiệp còn lại (thửa đất không có nhà ở), đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) thì phải đưa vào “dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu dân cư” trình cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và giao đất để có cơ sở thực hiện việc giao đất cho gia đình, cá nhân theo quy định.
CÔNG LUẬN