TRUNG TÂM NƯỚC SẠCH & VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN:
Nâng cao chất lượng quản lý, vận hành, phát triển khách hàng mới
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch khu vực nông thôn gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) tăng cường công tác đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cung cấp nước, nâng cao chất lượng, cải thiện dịch vụ, thu hút thêm khách hàng.
Đến nay, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) quản lý khai thác 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn, gồm: Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Vĩnh An - Bình Tường và nhà máy cấp nước Tây Giang - Tây Thuận (huyện Tây Sơn), nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Nhơn Tân (TX An Nhơn), nhà máy cấp nước sinh hoạt huyện Phù Cát, nhà máy cấp nước ở khu vực Đông Nam TX Hoài Nhơn.
Công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung ở khu vực Phù Cát. Ảnh: VĂN MINH
Năm 2020, đơn vị thực hiện hiệu quả công tác quản lý vận hành, điều tiết phân phối nước, sản lượng nước sản xuất hơn 5,1 triệu m3, đạt 105% kế hoạch, sản lượng tiêu thụ hơn 4,2 triệu m3. Trong năm 2021, đơn vị đặt mục tiêu tăng sản lượng nước lên khoảng 5,4 triệu m3, tập trung ở các nhà máy Tây Giang, Bình Tường và Đông Nam Hoài Nhơn để phát triển mới thêm khoảng 2.000 khách hàng (các nhà máy khác, tỷ lệ khách hàng đã bão hòa).
Ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT, phân tích: Việc xây dựng các công trình nước sạch và đưa nước sạch về vùng nông thôn phải có lộ trình, kế hoạch bài bản, tham vấn cộng đồng đầy đủ mới có thể triển khai. Để có thể triển khai dự án công trình cung cấp nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn, việc đầu tiên là phải tổ chức truyền thông cộng đồng, xác định kế hoạch truyền thông cụ thể vào từng nhóm đối tượng - trường học, các cấp hội, đoàn thể ở địa phương. Phải đủ số lượng khách hàng dùng nước và họ đăng ký dùng lâu dài mới có thể đầu tư được. Khác với vùng đô thị, mật độ dân cư ở nông thôn thấp nên suất đầu tư cao, chúng tôi phải tính toán chi tiết về hệ thống hạ tầng, đường ống đấu nối đến từng nhà dân, hỗ trợ lắp đặt cho người dân. Tuy vậy, nhờ làm công tác động viên tốt đồng thời tính toán hợp lý nên đến nay, các địa bàn có công trình của đơn vị quản lý và khai thác có tỷ lệ hộ dân sử dụng cao, trong đó điển hình như xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) 95%, xã Cát Hưng (huyện Phù Cát) 87,4%, xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) 99%…
Theo ông Minh, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng tăng, Trung tâm đầu tư thêm về hạ tầng như khoan thêm giếng, nâng công suất các nhà máy và mở rộng mạng lưới đường ống dẫn đến các hộ dân. Bên cạnh đó, đơn vị tiến hành xử lý nguồn nước nhằm đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 01:2018 của Bộ Y tế phục vụ người dân. Cùng với đó, từ tháng 7.2021, Trung tâm phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Bình Định hoàn thiện kết nối hạ tầng kỹ thuật công nghệ, khuyến khích khách hàng thanh toán tiền nước qua tài khoản ngân hàng, ứng dụng của ngân hàng. Đồng thời, đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, hiện nay toàn tỉnh có 127 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn, trong đó Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh quản lý 6 công trình. Trong năm 2021, Bình Định tập trung phát triển, mở rộng các khu vực để đáp ứng hạ tầng đưa nước sạch về những khu vực thiếu nước lâu nay, trong đó có chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung do Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh quản lý.
THU DỊU