Phòng cháy nổ trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh
Số vụ cháy, nổ xảy ra tại nhà ở kết hợp kinh doanh, khu dân cư, nhà ở gia đình chiếm khoảng 26% tổng số vụ cháy trong toàn tỉnh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận định đây vẫn là khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Còn chủ quan, thiếu sót
Theo CA tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 53 vụ cháy, tăng 21 vụ so với cùng kỳ, trong đó, cháy nhà ở đơn lẻ 8 vụ; nhà ở kết hợp kinh doanh 4 vụ. Nguyên nhân dẫn đến cháy chủ yếu do người dân còn chủ quan trong việc sử dụng lửa, sử dụng thiết bị điện.
Hiện trường một vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh; vật dụng trong nhà để lộn xộn, gây không ít khó khăn cho lực lượng chữa cháy. Ảnh: KIỀU ANH
Đơn cử như vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước xuất phát từ việc sử dụng nguồn lửa không an toàn. Chẳng những thế, hàng hóa tại đây được chất ngay lối đi, đám cháy khởi phát trên tầng 3 nên việc tiếp cận dập lửa của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.
Cũng liên quan đến việc sử dụng lửa, đối tượng Đặng Văn Thạnh (SN 1970, ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) đã làm 2 cháu nhỏ bị bỏng nặng và nhiều vật dụng trong nhà bị hư hỏng. Trước đó, do mâu thuẫn với vợ nên Thạnh mang bình gas để gần phòng ngủ 2 con của vợ rồi châm lửa đốt gây cháy nổ.
Hay như mới đây, tại phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn cũng xảy ra vụ cháy nhà dân. Ngọn lửa bắt nguồn từ phòng bếp, khu vực tầng 1 của ngôi nhà. Nhưng vì cửa đóng nên lực lượng chức năng phải tiếp cận từ tầng 2 của ngôi nhà để dập lửa và khoanh vùng đám cháy, tránh cháy lan.
Từ đầu năm đến nay, tuy chưa thiệt hại về người, nhưng thực tế các vụ cháy đã xảy ra cho thấy, ý thức, kiến thức cũng như việc tự giác trang bị các thiết bị về PCCC tại các khu dân cư, nhất là trong các gia đình, vẫn còn nhiều hạn chế. Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), phân tích: Hiện nay, nhà ở đơn lẻ hay nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, phổ biến là các loại nhà ống, bố trí liền kề, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, không có lối thoát dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan và chỉ có một lối thoát nạn duy nhất (cửa chính). Qua công tác kiểm tra, chúng tôi nhận thấy có những sai phạm như không bố trí phương tiện chữa cháy tại gia đình (bình chữa cháy mi ni), không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đảm bảo, sắp xếp vật dụng thiết bị cản trở lối thoát nạn, chưa lên phương án thoát nạn cho gia đình, chưa tìm hiểu các biện pháp PCCC cơ bản.
Từ đầu năm đến nay, qua công tác kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC đã kiến nghị 1.549 vấn đề liên quan, xử lý vi phạm hành chính 6 tổ chức, phạt tiền hơn 113 triệu đồng.
Chủ động phòng ngừa
Với phương châm “phòng hơn chống”, việc đa dạng hình thức tuyên truyền là một trong những giải pháp đang được ngành chức năng chú trọng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức tuyên truyền lưu động trên xe chữa cháy hơn 50 lượt tại địa bàn các khu dân cư, chợ; mở 11 lớp huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho 1.280 người; thực tập 38 phương án PCCC&CNCH.
Tuy nhiên, trước những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư, nhà ở gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đại tá Long cho biết: Lực lượng sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo toàn diện công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Trong đó, nhà ở kết hợp kinh doanh nếu không đảm bảo điều kiện về an toàn PCCC, có nguy cơ cháy nổ, chúng tôi kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu khắc phục ngay. Bên cạnh đó, lực lượng sẽ tiến hành khảo sát, nắm tình hình địa bàn các khu dân cư, nhất là các khu vực có mật độ dân cư cao, tập trung nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, xe chữa cháy không thể tiếp cận, xa nguồn nước để chữa cháy... nhằm chủ động trong việc nắm thông tin, xây dựng phương án xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ xảy ra. Song song đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH duy trì nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, tiếp nhận và xử lý tin báo cháy, nổ; chủ động kế hoạch, phương án điều động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ.
Tuy vậy, ngoài sự chủ động của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần thường xuyên, liên tục đề cao cảnh giác, sử dụng nguồn lửa, nhiệt an toàn để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của chính mình và những người xung quanh.
KIỀU ANH