Nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn
Với mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập và hoạt động rộng khắp trên toàn tỉnh, việc nâng cao chất lượng các tổ sẽ góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.
Phát huy vai trò của tổ trưởng
Quản lý 60 hộ vay với tổng dư nợ hơn 2,8 tỷ đồng, chị Trần ThịKim Thơm, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) Chi hội phụ nữ thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn nhiều năm liền là Tổ trưởng Tổ TK&VV điển hình về hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2019, chị được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH giai đoạn 2014 - 2019. Năm 2021, chị tiếp tục được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH tặng giấy khen về đóng góp vào kết quả hoạt động của Ngân hàng CSXH giai đoạn 2015 - 2020.
Tổ trưởng Tổ TK&VV Kim Thơm (phía trong) thăm nhà và nắm bắt tình hình hộ vay Nguyễn Thị Tâm.
Chị Thơm cho biết: “Khi bắt đầu làm tổ trưởng tổ TK&VV của thôn, tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ sự trông đợi của hộ khó khăn vào đồng vốn vay. Vì thế, sau khi hướng dẫn hộ vay tiếp cận vốn, tôi tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhờ làm tốt các khâu tuyên truyền, vận động, nhắc nhở hộ vay, đến nay, có 100% tổ viên gửi tiền tiết kiệm hằng tháng và không có trường hợp nợ quá hạn xảy ra. Số dư tiết kiệm của tổ hiện là 201 triệu đồng/60 hộ vay. Số hộ vay vốn thoát nghèo của tổ là 15 hộ”.
Điểm dễ thấy ở các tổ TK&VV được xếp loại tốt là hình ảnh người tổ trưởng tỉ mỉ, cẩn trọng, gần gũi với hộ vay, nắm vững thủ tục quản lý nguồn vốn chính sách, qua đó hướng dẫn các thành viên trong tổ được vay vốn của Ngân hàng CSXH thuận tiện và sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế. Bà Lê Thị Lang, Tổ trưởng Tổ TK&VV Chi hội phụ nữ thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn), nói thêm: “Là một trong hai tổ TK&VV có dư nợ cao nhất của xã, chúng tôi luôn phát huy vai trò của mình, giúp các hộ là đối tượng cho vay CSXH đủ điều kiện vay vốn theo quy định tiếp cận với nguồn vốn. Nhu cầu vay vốn của bà con trên địa bàn hiện tập trung vào chăn nuôi. Hộ vay nào được giải ngân vốn cũng quý trọng nguồn vốn, nỗ lực sử dụng hiệu quả vốn vay”.
Củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến ngày 30.6, toàn chi nhánh có 2.359 tổ TK&VV, giảm 3 tổ so với ngày 31.12.2020. Trong đó 2.275 tổ xếp loại tốt, tăng 55 tổ so với ngày 31.12.2020, chiếm 96,4%; 72 tổ xếp loại khá, chiếm 3,1%; 12 tổ xếp loại trung bình, chiếm 0,5%; không có tổ xếp loại yếu.
Tổ TK&VV hiện ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Hội Nông dân có 721 tổ, trong đó có 702 tổ xếp loại tốt (97,4%). Hội LHPN có 1.104 tổ, trong đó có 1063 tổ xếp loại tốt (96,4%). Hội CCB có 323 tổ, trong đó có 307 tổ xếp loại tốt (95,1%). Đoàn Thanh niên có 211 tổ, trong đó có 203 tổ xếp loại tốt (96,2%).
Mạng lưới tổ TK&VV được thành lập và hoạt động rộng khắp trên toàn tỉnh, được ví như “cánh tay” nối dài của Ngân hàng CSXH, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Để nâng cao chất lượng các tổ, phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung phối hợp với UBND các xã, tổ chức hội nhận ủy thác lựa chọn các tổ trưởng có năng lực, nhiệt tình. Mặt khác, thường xuyên tập huấn bổ sung về nghiệp vụ ủy thác, trang bị thêm về kiến thức quản lý và kỹ năng làm việc cho ban quản lý tổ TK&VV.
Ban quản lý tổ TK&VV cũng cần tăng cường theo dõi, quản lý chặt địa bàn để biết rõ hoàn cảnh của từng hộ vay; tổ chức sinh hoạt thường xuyên như đã quy định trong quy ước của tổ. Thông qua các buổi sinh hoạt, tổ giúp thành viên chia sẻ kinh nghiệm để sử dụng vốn tốt hơn, đồng thời giúp cho Ban quản lý tổ thu lãi dễ dàng hơn, tăng cường sự gắn bó giữa các tổ viên với nhau, với ban quản lý tổ TK&VV.
Công tác bình xét cho vay cũng cần được củng cố và nâng cao chất lượng bằng cách vừa đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chính sách tín dụng ưu đãi, vừa bảo toàn được nguồn vốn, tránh được hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích. Ban quản lý tổ TK&VV cần phải phối hợp tốt với trưởng thôn và phải chịu sự quản lý của trưởng thôn trong quá trình thực hiện các hoạt động ủy nhiệm của tổ mình quản lý.
Ban quản lý tổ TK&VV cũng tuyệt đối không được làm hộ, làm thay hồ sơ thủ tục vay vốn mà phải kiên trì giải thích, hướng dẫn hộ vay trực tiếp hoàn tất thủ tục, để hộ vay nhớ rõ số tiền vay và thời điểm trả nợ. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của hộ vay ngay từ khi kết nạp vào tổ, tránh tâm lý, tư tưởng cho rằng đây là nguồn vốn của Nhà nước giúp người nghèo nên chưa nhận thức rõ trách nhiệm phải hoàn trả vốn vay…
NGUYỄN MUỘI