Chủ tịch Quốc hội: “Vướng chỗ nào phải chỉ ra, không ngồi kêu rồi đổ thừa thể chế”
“Có luật, có thông tư, nghị định thì cấp nào rà soát, xác định sửa cái gì, sửa thế nào? Chủ động rà soát để khắc phục chứ không chỉ kêu, không làm được lại đổ thừa thể chế”.
Sáng 13.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thích đề ra chính sách chi nhưng thu không chịu làm
Nêu ý kiến về các nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra có chất lượng tốt, bám sát các nghị quyết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, nội dung cần đánh giá đúng, làm nổi bật thành tựu của 4 năm nhiệm kỳ khóa XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cần làm rõ thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công. Thực tế cho thấy 5 năm qua, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Sau khi sửa luật Đầu tư công kết hợp sự điều hành thì tỷ lệ giải ngân năm 2020 rất cao, đạt gần 98%.
Kế hoạch tài chính đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên. Cơ cấu thu tích cực khi thu nội địa cao (như Hà Nội là 93%). Cơ cấu tỷ lệ chi tích cực khi giảm mạnh chi thường xuyên. Tuy vậy, ông Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề, tại sao nhiều địa phương thực hiện tốt việc này nhưng nhiều nơi khác lại chưa làm được.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Về giải pháp, định hướng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước hết phải thể chế hóa kịp thời chủ trương, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là nhiều điểm mới hoặc có điểm trước đây đã có nhưng nay tư duy và cách nhìn mới.
Đề cập vấn đề thể chế, ông Vương Đình Huệ cho rằng, nếu rà soát lại luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thì còn rất nhiều vấn đề và cần khắc phục khuynh hướng bảo thủ, thấy sai mà không sửa và cứ kêu, đổ thừa cho cơ chế.
“Xu hướng đổ thừa nổi lên rất mạnh. Có luật, có thông tư, nghị định thì cấp nào rà soát, xác định sửa cái gì, sửa thế nào? Cứ kêu mà không sửa. Lần này chủ động rà soát để khắc phục, quan trọng là xác định vướng chỗ nào, cái gì phải chỉ ra chứ không chỉ kêu; không làm được lại đổ thừa thể chế” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế đặc thù cho các địa phương. “Người ta thích đề ra chính sách chi để chi cho nhiều, còn động đến thu không chịu làm. Sở ngành nào cũng trình chính sách chi mà không chịu trình phương án thu, trong khi thu là quan trọng, tạo nguồn lực” – Chủ tịch Quốc hội cho biết và đề nghị báo cáo Quốc hội hàng năm thực hiện như thế nào, tránh việc nghị quyết được ban hành mà không thực hiện hoặc chỉ thực hiện 1 vế.
Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn về thực hiện Luật đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư khi hàng trăm dự án, trong đó có dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia mà “chưa biết hình dáng”. Lưu ý “quay đi quay lại sẽ hết năm thứ nhất” nên Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nhìn thẳng vào vấn đề này để triển khai quyết liệt hơn nữa.
Không sâu sát kiểm tra có thể dẫn đến mất cán bộ
Nêu ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, vấn đề hạ tầng xã hội, cần có trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế chiến lược cho từng loại hạ tầng, để từ đó có hướng thu hút đầu tư 5 năm tới cho phù hợp. Đối với vùng động lực, cực tăng trưởng, đây không phải vấn đề mới, nhưng cần xác định, làm rõ cơ chế chính sách để điều phối cho phù hợp. Bên cạnh đó là tăng cường kỷ luật kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm như báo cáo Chính phủ đề cập.
“Trong tổ chức thực hiện, phải thể hiện bằng các quy định, thể hiện trách nhiệm của cơ quan từ Trung ương đến địa phương như thế nào. Phân cấp phân quyền mạnh phải đi liền với hậu kiểm, nếu không có thể dẫn đến mất cán bộ, địa phương thực hiện không đúng quy định” – bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm đậm nét hơn mảng xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống tham nhũng cho cân bằng với vấn đề kinh tế.
Đề cập một số vụ án liên quan đến tự chủ, xã hội hóa các bệnh viện như ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim, Bệnh viện mắt Sài Gòn, bà Lê Thị Nga đề nghị làm rõ hơn, Chính phủ có đánh giá rút ra được điều gì về quản lý điều hành kinh tế xã hội, nhất là quản lý các bệnh viện. Phải chăng, lúc chúng ta cho tự chủ bệnh viện, cho xã hội hóa thì cho làm khá ồ ạt, không làm thí điểm mà cho làm luôn? Quá trình thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế thế nào trong khi những sai phạm na ná như nhau.
“Chúng tôi đề nghị, mỗi khi có chủ trương mới, cần phải cho thí điểm, làm một số nơi rồi tổng kết, sau đó mới nhân rộng. Công tác thanh tra, kiểm tra phải làm thường xuyên. Như bây giờ chúng ta mất cán bộ rất nhiều và điều đau xót là toàn các bác sỹ rất giỏi”, bà Lê Thị Nga nói
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bên cạnh những tác động khó lường của đại dịch Covid-19, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nội tại nền kinh tế, bởi vấn đề tăng trưởng chưa thực sự bền vững.
“Chúng ta chưa đánh giá hết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân do dịch bệnh kéo dài 18 tháng qua”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh và đề nghị đánh giá sâu hơn về những điểm yếu, ảnh hưởng đến tài chính, quy mô trong thu, chi giai đoạn vừa qua. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị đưa ra kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm để có cơ sở cho cả 5 năm.
“Dịch Covid-19, năm 2022 có ngăn chặn được đại dịch không? Hoạt động kinh tế -xã hội có bình thường, có nguồn thu không? Cơ cấu lại ngân sách, tăng thu, bồi dưỡng nguồn thu thế nào? Kinh nghiệm thực tế từ địa phương tôi thấy, đừng tận thu mà phải chăm sóc, khai thác nguồn thu đúng mức”, ông Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)