Vùng sản xuất rau tập trung, rau an toàn trong tỉnh: Làm giàu danh mục cây trồng
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng giống cây trồng cho các vùng sản xuất rau tập trung, rau an toàn của tỉnh, ngành Nông nghiệp tiếp tục chú trọng nghiên cứu, khảo nghiệm giống cây trồng mới ở các địa phương.
Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh dự kiến duy trì, mở rộng và phát triển 8 vùng sản xuất rau an toàn tập trung ở Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn. Các vùng trồng rau an toàn được đầu tư về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, trồng nhiều giống rau mới, tăng hiệu quả, gắn với xúc tiến thương mại để quảng bá và đưa rau an toàn Bình Định nhãn hiệu Lá Lành vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (bên trái), kiểm tra thực tế mô hình khảo nghiệm giống đậu xanh tại xã Vĩnh Sơn. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Trên cơ sở chương trình phát triển vùng rau tập trung, rau an toàn của địa phương, Trung tâm phối hợp với các HTXNN, các nhóm cùng sở thích sản xuất rau tập trung, rau an toàn trên địa bàn tỉnh tổ chức khảo nghiệm một số giống rau, đậu, dưa… mới để đa dạng hóa giống cây trồng; phù hợp với việc luân phiên, xen canh để cải tạo đất; có thêm nhiều lựa chọn trong sản xuất, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, giảm tình trạng cung vượt cầu khiến nông sản mất giá.
Hiện vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) tập trung vào các giống rau ôn đới như cải thảo, bắp sú, su hào, cà rốt... Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa triển khai khảo nghiệm các giống đậu xanh ĐX06, ĐX10, ĐX 21, ĐX 22 và ĐX 208 trên diện tích 1.000 m2 tại vùng trồng rau an toàn Vĩnh Sơn, nhằm đánh giá mức độ thích hợp, khả năng phát triển và năng suất, để trồng luân phiên với các vụ rau ở địa phương này.
Hộ ông Đặng Văn Khánh (xã Vĩnh Sơn) được chọn thí điểm trồng các giống đậu xanh mới, việc thử nghiệm bước đầu khá thuận lợi, các luống đậu đang lên xanh. “Ngành Nông nghiệp hỗ trợ giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng có cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh, huyện lên kiểm tra thực tế để hướng dẫn”, ông Khánh cho biết.
HTXNN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) đang đầu tư thử nghiệm trồng mới một số giống dưa. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc HTX, cho biết: HTX hiện có 10 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP nhãn hiệu Lá Lành cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Quy mô sản xuất rau an toàn khoảng 10 ha, danh mục rau chưa phong phú. Vụ rau mới năm nay, HTX nghiên cứu chọn hỗ trợ trồng thí điểm giống dưa lê với quy mô diện tích 7.000 m2/2 hộ. Hiện có 1 hộ bắt đầu thu hoạch, năng suất và sản lượng tương đối ổn định. Bên cạnh đó, HTX tiếp tục tham khảo, nhờ tư vấn từ các đơn vị chuyên môn để nghiên cứu trồng thêm dưa kim hoàng hậu, dưa lưới, dưa hấu... thời gian tới.
Ruộng dưa lê của hộ ông Trịnh Văn Cường ở thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước). Ảnh: THU DỊU
Hộ ông Trịnh Văn Cường (thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp) sau vụ ớt thất thu đã chuyển qua trồng thử nghiệm dưa lê theo hướng an toàn. Trên cánh đồng 4.500 m2, ông Cường chia nhỏ diện tích xuống giống luân phiên, đến nay 1.000 m2 xuống giống đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch, diện tích còn lại được kéo giãn thời gian xuống giống để vừa chăm sóc, vừa điều chỉnh. “Lượt thứ 2 xuống giống, cây phát triển tốt hơn lượt đầu, quy trình chăm sóc hoàn thiện hơn do sâu bệnh giảm, cây sinh trưởng tốt, ra hoa đều...”, ông Cường chia sẻ.
Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), thời gian qua, để đa dạng giống rau, cây trồng cho vùng trồng rau an toàn tập trung ở Thuận Nghĩa, HTX cử cán bộ kỹ thuật đi tham quan một số mô hình, nhà vườn ở các tỉnh phía Nam để trồng thử giống măng tây, cùng một số giống rau khác, nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng.
THU DỊU