Hành trình lá nón
Từ nhiều vùng núi cao rừng già trong tỉnh, biết bao lá nón đã thực hiện cuộc hành trình dài về với đồng bằng. Để lá nón góp phần quan trọng tạo thành nón lá, rất nhiều công sức của người lao động đã đổ xuống để sẻ chia bao thăng trầm cùng nghề làm nón truyền thống.
Nghề đi lá
Dân trong nghề thường gọi công việc lặn lội nơi núi cao, rừng sâu để tìm các loại lá nguyên liệu làm nón là “đi lá”. Tại huyện An Lão, hầu hết những người làm nghề đi lá đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Đinh Thị Chớ (thôn 3 xã An Hưng) mới 20 tuổi nhưng đã có thâm niên gần 10 năm đi bứt lá sít (cách gọi các loại lá làm nón của đồng bào dân tộc thiểu số). Chị Chớ cho biết: “Phụ nữ trong thôn từ già đến trẻ đều biết tìm lá sít. Phải đi mỏi cái chân leo qua nhiều dốc núi đến vùng rừng già thì mới có nhiều loại lá này”.
“Mỗi một miếng lá nón thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức của người đi tìm nơi rừng sâu núi cao”
Biết chúng tôi muốn thấy tận mắt cây lá nón, anh Trần Văn Chấn, một người từng có thời gian mua bán lá nón ở thôn 3 xã An Hưng, đã nhiệt tình dẫn đi. Cỡi xe máy độ hơn nửa tiếng qua các con đường đèo dốc, đến một con suối khá lớn thì chúng tôi xuống xe, rồi tiếp tục lội suối băng rừng thêm gần chục phút nữa, anh Chấn chỉ vào một bụi cây nhỏ cao khoảng hơn 1 m, có lá giống lá cọ. Đưa tay khéo léo luồn vào chính giữa lùm cây đầy gai, anh Chấn nhẹ nhàng nhổ đọt cây dài hơn chiếc đũa, rồi tách ra thành những mảnh lá nhỏ màu trắng xanh thành hình nan quạt cho chúng tôi xem. “Đồng bào gọi đây là lá sít nhỏ, còn một loại họ gọi là lá lớn thì phải trèo lên gộp đá cao kiếm mới có. Nhà báo không trèo nổi đâu nên đứng đây chờ tôi một chút”. Nói vừa dứt lời anh Chấn chạy biến vào rừng cây, độ chục phút sau quay lại mang theo một cây khá giống cây sít lá nhỏ nhưng thân cao hơn, khi lấy đọt tách ra lá cũng to và dài hơn. Sau này hỏi thăm những người mua bán lá nón thì được biết, cây lá nhỏ có tên gọi lá mật cật, còn lá lớn gọi là lá vặn.
Ở huyện Vân Canh cũng có khá nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số lẫn người Kinh ở các xã Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh làm nghề đi lá. Những người đi lá ở Vân Canh chỉ chuyên tìm loại lá kè có nhiều ở vùng núi cao hiểm trở, có đọt cây dài trên dưới một mét và to hơn nhiều lần so với đọt cây lá mật cật, lá vặn. Đọt lá kè cũng tách ra thành nhiều miếng lá lớn màu trắng ngà, đầu lá nhọn hơn các loại lá nón khác. Anh Đinh Thuyền, người dân tộc Ba na ở xã Canh Hiệp, cho biết: “Những lúc không làm ruộng nương, mình rủ thêm vài anh em đi thành nhóm chia nhau lên vùng núi cao tìm lá kè. Đi liên tục khoảng 3 ngày thì kiếm được mỗi người khoảng 200 - 300 đọt lá, trừ chi phí cũng nhận được 500-700 ngàn đồng tiền bán lá”.
Nhiều nông dân ở làng nghề nón lá Thuận Hạnh, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn cũng gắn bó với nghề đi lá. Thâm niên nhất trong nghề có ông Bùi Văn Ngạn (60 tuổi) ở đội 3 thôn Thuận Hạnh. Thời bao cấp, ông Ngạn từng đạp xe đến tận huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tìm lá nón. Sau này có xe máy, ông Ngạn thường lên vùng núi cao xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh để đi lá. Khi còn trẻ khỏe, ông Ngạn ở trên núi liên tục, đi nhiều ngày kiếm được khoảng 4.000 đọt lá gánh về một lượt. Giờ tuổi đã cao nhưng ông Ngạn vẫn cố gắng với những chuyến đi lá trong hai ngày, lượng lá nón kiếm được ít hơn. “Cuộc sống khó khăn, chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng làm sao đủ lo cho vợ con, nên mới chọn nghề đi lá rất cực khổ, nguy hiểm này”, ông Ngạn bộc bạch.
Buôn bán lá nón
Ở huyện An Lão, hiện có 5 người làm nghề thu mua lá nón cho các “ tổng đại lý ” ở xung quanh khu vực chợ nón Gò Găng (thị xã An Nhơn). Chị Nguyễn Thị Kim Loan, người có chục năm làm nghề buôn bán lá nón ở thôn Gò Bùi, thị trấn An Lão, cho biết: “Lá nón được mua theo từng bó, mỗi bó gồm 100 đọt lá tươi. Giá mỗi bó lá nhỏ dao động từ 10.000-12.000 đồng tùy theo chất lượng, còn mỗi bó lá lớn giá 20.000 đồng. Vào mùa làm nón, có ngày tôi mua 300-400 bó lá”. Cùng có thâm niên buôn bán lá nón là chị Đặng Thị Thu ở thôn 3, xã An Hưng. Thường nửa tháng một lần, sau khi gom đủ lá, chị Thu chở xuống thị trấn An Lão chuyển lên xe khách đưa xuống cho bạn hàng ở Gò Găng. Phần lớn hộ dân ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát đang giữ nghề làm nón truyền thống qua nhiều thế hệ. Đây cũng là nơi tập trung nhiều người làm nghề buôn bán lá nón nhất trong tỉnh. Làm ăn quy mô trong số này là hộ gia đình ông Đỗ Văn Thôi (61 tuổi) ở xóm Nam, mỗi ngày mua - bán được trung bình 30 bó lá nón các loại. Ông Thôi tâm sự: “Tôi được cha dạy cách phân biệt và mua bán các loại lá nón từ thời thanh niên với lời căn dặn phải cố gắng giữ nghề ông bà để lại. Làm nghề này phải biết chịu khó và có kinh nghiệm xử lý thêm một số công đoạn mới có lá nón đẹp đáp ứng yêu cầu khách hàng. Như đọt lá vặn xanh tươi mua về, bỏ vào hố cát dùng chân đạp cho nở bung ra. Đến chiều đem vô lò than sấy khô với nhiệt độ phù hợp. Tối, tiếp tục phơi sương cho mềm dịu lại, để sáng sớm đem ra bán ở chợ nón Gò Găng”.
Các loại cây lá nón thuộc lâm sản phụ thường mọc xen kẽ với các loại cây thân gỗ ở rừng núi. Người đi lá thường chỉ bứt lấy đọt chính của cây. Nếu trời nắng ấm cây sẽ mọc lại đọt trong khoảng 1- 1,5 tháng, còn mùa mưa sẽ lâu hơn.
Trước đây thường chỉ có 4 loại lá chính là kè, vặn, đèn, mật cật được người làm nón trong tỉnh sử dụng. Sau đó, có thêm lá buông (ở tỉnh Đồng Nai) cũng được tiêu thụ nhiều. Mỗi loại lá tùy theo chất lượng mà có giá khác nhau, như lá mật cật ở An Lão có lá ngắn thì 1 thiên lá (1.000 đọt lá) có giá 150 ngàn đồng, lá mật cật Vĩnh Thạnh dài hơn và làm nón bền đẹp giá 350 ngàn đồng/thiên. Người làm nón cũng đã có sự thay đổi nguyên liệu lá làm nón đa dạng hơn. Ông Hồ Ngọc Thành (64 tuổi, thường gọi là Ba Ảnh), ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, cho biết: “Tôi chỉ buôn bán duy nhất lá kè ở Vân Canh cho những người làm nón ngựa. Mấy năm qua, những người làm nón chóp cũng sử dụng lá kè vì thấy lá này giá ngang các loại lá nón khác nhưng to hơn nên lợi hơn về vật liệu. Mặt dù việc làm và tiêu thụ nón ngựa đã giảm nhiều, nhưng cứ 5 ngày một lần ở chợ phiên Phù Cát, tôi vẫn bán được trung bình 3 thiên lá kè”.
Có nhiều người bán lá nón, nhưng chỉ một số ít người ở thôn Thuận Hạnh là “hái tận ngọn, bán tận gốc”. Ông Bùi Văn Ngạn tâm sự: “Trước kia, mỗi phiên chợ Phù Cát tôi bán được 3 - 4 thiên lá, giờ chỉ bán được 1 thiên là mừng rồi. Tính ra, mỗi phiên chợ tôi chỉ kiếm lời được 200- 300 ngàn đồng. Ngoài một số ít người dân thôn chúng tôi cố gắng theo nghề để phục vụ bà con làm nón, chứ ít ai muốn làm công việc này vì cực khổ mà thu nhập thấp”. Cách đây vài năm, thôn Thuận Hạnh có đến mấy chục người theo nghề như ông Ngạn. Giờ chỉ còn lại 5 người.
Trân trọng chiếc nón lá
Lâu nay, khi nói về chiếc nón lá, người ta thường nhắc nhiều đến những người gắn bó, giữ nghề làm nón truyền thống. Nhưng góp phần quan trọng làm nên chiếc nón lá còn có công lao “thầm lặng” của những người lặn lội khắp núi rừng tìm lá nón; của những người buôn bán đã làm “cầu nối” đưa lá nón về các làng nghề truyền thống.
Giờ đây, khi cầm trên tay chiếc nón lá mộc mạc, tôi cảm nhận được nhiều hơn “sức nặng” từ những giá trị văn hóa truyền thống được tạo nên bởi tinh thần lao động cần cù, chịu thương chịu khó của người dân quê mình. Chợt thấy lòng lắng lại khi nhớ đến lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Lan, một người có 50 năm gắn bó với nghề làm nón ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân: “Mỗi một miếng lá nón thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức của người đi tìm nơi rừng sâu núi cao. Khi sử dụng lá làm nón không được lãng phí và cố gắng tạo ra những chiếc nón đẹp. Mong rằng công sức của người lao động chúng tôi gởi vào mỗi chiếc nón sẽ được trân trọng và nhìn nhận một cách tương xứng”.
Hoài Thu