Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 và mô hình tổng thể của thể chế chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh 2011, Hiến pháp tiếp tục thể hiện xuyên suốt, nhất quán quan điểm “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”(Ðiều 2) nhưng bổ sung điểm mới quan trọng đó là: “Nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ”.
Trong quá trình lấy ý kiến tham gia và khi Hiến pháp đã có hiệu lực thi hành, những người chống CNXH vẫn đang ra sức tấn công vào học thuyết của Mác-Ănghen, Lê-nin về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân (GCCN). Họ khẳng định rằng, học thuyết đó không áp dụng được vào GCCN hiện nay. Bởi theo họ, GCCN ngày nay đã “teo đi”, đã “tan biến” vào các giai tầng xã hội khác; bởi địa vị kinh tế - xã hội của GCCN đã thay đổi nhiều, phần đông trong giai cấp này đã “trung lưu hóa”…
Lịch sử thế giới trong hơn một trăm năm qua, dù cuộc đấu tranh của GCCN trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình đã trải qua những bước thăng trầm, nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra theo quy luật khách quan của lịch sử. Do địa vị kinh tế - xã hội khách quan, GCCN là giai cấp gắn với lực lượng sản xuất tiên tiến nhất dưới CNTB, là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, đại diện cho lực lượng sản xuất mới mang tính chất xã hội hóa cao. Mặt khác, GCCN là sản phẩm của nền đại công nghiệp, GCCN ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng và được nền công nghiệp hiện đại rèn luyện, đoàn kết và tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng mạnh. Nền đại công nghiệp ngày càng phát triển, đòi hỏi và tạo ra những điều kiện để GCCN không ngừng nâng cao trình độ của mình về học vấn, văn hóa, tay nghề, khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý và điều hành sản xuất, khả năng đoàn kết giai cấp và đoàn kết các lực lượng xã hội…Như vậy, sản xuất công nghiệp càng hiện đại thì năng lực lao động trí tuệ, trình độ học vấn, văn hóa của GCCN càng được nâng cao; GCCN là người đại biểu cho trí tuệ của thời đại. Do đó, nó có đủ khả năng để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, đại biểu cho nhu cầu vượt qua giới hạn cuối cùng của CNTB; đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến kế tiếp sau CNTB.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, GCCN lãnh đạo không có nghĩa là từng người công nhân lãnh đạo mà cả GCCN lãnh đạo thông qua chính đảng, đội tiền phong của GCCN, lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu của giai cấp, Ðảng chính trị đó là tổ chức cao nhất, không những đại biểu cho nguyện vọng, phẩm chất, trí tuệ và lợi ích của toàn thể GCCN mà còn là của toàn thể nhân dân lao động và dân tộc.
Lịch sử cách mạng thế giới, đặc biệt là lịch sử Cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đã chứng minh rằng, ngoài GCCN, thông qua đội tiên phong chân chính của nó, không một giai cấp nào, một tầng lớp xã hội nào khác có thể lãnh đạo được Cách mạng nước ta. Ngay từ khi mới ra đời; dưới sự lãnh đạo của đội tiên phong chân chính của mình, nó đã phát huy và nhân lên được sức mạnh của giai cấp, của dân tộc và sức mạnh của thời đại nên đã đưa Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp, GCCN Việt Nam và đội tiền phong của mình vẫn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn với CNXH, từng bước tháo gỡ khó khăn về kinh tế, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên và đang đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trong công cuộc đổi mới.
TRUNG NGÔN