Cảnh giác với nguy cơ dịch cúm gia cầm lây sang người
Đó là nhận định của thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9). Ông Hùng cũng cho biết, ngành Y tế đã và đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống các dịch cúm nguy hiểm này.
Ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều hoạt động ứng phó với dịch cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9).
- Trong ảnh: Diễn tập phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người được tổ chức tại huyện An Lão.
* Căn cứ nào để khẳng định nguy cơ xuất hiện cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) trên người ở tỉnh ta là rất cao, thưa ông?
- Hiện nay, tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng trở lại. Dịch xuất hiện ở một số tỉnh gần Việt Nam, làm tăng nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài.
Trong khi đó, dịch cúm A(H5N1) đã xuất hiện trên gia cầm, thủy cầm ở nhiều tỉnh ở nước ta và có xu hướng lan rộng, đã có trường hợp mắc và tử vong. Cúm A(H5N1) là bệnh lây từ gia cầm, thủy cầm sang người, nên việc xuất hiện nhiều ổ dịch trên gia cầm, thủy cầm sẽ dẫn đến dịch bệnh trên người nếu không khống chế hiệu quả.
Đáng lưu ý là chủng vi-rút cúm A(H5N1) đang lưu hành tại Việt Nam gây dịch trên gia cầm và người là chủng có độc lực cao. Đặc biệt, gần đây xuất hiện nhóm vi-rút mới (nhóm C) nên việc triển khai sử dụng vắc-xin phòng bệnh trên các đàn gia cầm, thủy cầm trên phạm vi toàn quốc gặp nhiều khó khăn. Vi-rút cúm A có đặc tính thường xuyên biến đổi, có thể thành chủng mới dễ dàng lây truyền sang người, đe dọa một đại dịch cúm có thể xảy ra. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng. Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi vịt thả đồng dễ làm cho vi-rút cúm A(H5N1), A(H7N9) phát tán rộng rãi, rất khó khống chế. Việc chăn nuôi gia cầm thả rông xen lẫn với các động vật khác như heo tạo cơ hội cho các vi-rút có thể trao đổi và đột biến tạo chủng vi-rút mới.
Bên cạnh đó, ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân còn hạn chế. Tình trạng giết mổ, sử dụng gia cầm, thủy cầm bị bệnh, chết hoặc không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc vẫn còn phổ biến. Thực hành vệ sinh của người dân như rửa tay thường xuyên với xà phòng, sử dụng phòng hộ khi tiếp xúc và xử lý gia cầm, thủy cầm... còn kém.
* Vậy, ngành Y tế tỉnh ta ứng phó như thế nào trước tình hình trên?
- Trước những diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh, Sở Y tế vừa ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) ở người và triển khai đến các đơn vị. Hiện tại, ở tỉnh ta chưa xuất hiện trường hợp bệnh trên người, nhưng chúng tôi xác định không thể chủ quan. Hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm sẽ được củng cố, tăng cường. Hoạt động tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch được chú trọng hơn.
Song song với đó là thực hiện kiểm dịch y tế bắt buộc tại phao số không đối với tất cả tàu, thuyền đi từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch nhập cảng vào Bình Định; tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp cúm tại cửa khẩu để cách ly, xử lý triệt để. Đặc biệt, thực hiện tốt việc giám sát người, động vật, hàng hóa nhập vào cảng biển Quy Nhơn, kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ.
Với các cơ sở khám, chữa bệnh, yêu cầu đặt ra là tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân, các trường hợp cúm nặng tại cộng đồng; giám sát chặt chẽ những người có tiếp xúc với gia cầm ốm, chết, những người tham gia tiêm phòng và xử lý dịch trên gia cầm, những người sống trong khu vực ổ dịch. Cùng với đó là chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị và nhân lực, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
Ngành Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các tuyến về hướng dẫn giám sát, xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9); đồng thời phối hợp cùng Dự án VAHIP diễn tập giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị; kiện toàn các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động…
* Phòng, chống dịch bệnh cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) ở người không phải là “chuyện riêng” của ngành Y tế, nhất là trong thời điểm hiện nay rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng…
- Đúng vậy. Ngành Y tế đã và đang huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1), A(H7N9). Để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng, mỗi người phải có ý thức sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần sự phối hợp của ngành Nông nghiệp trong giám sát sự lưu hành vi-rút cúm A(H5N1), A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, xử lý ổ dịch. Ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương cũng phối hợp chặt chẽ trong việc thông tin, báo cáo, triển khai các biện pháp ngăn ngừa không để dịch lây truyền sang người.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)