Gửi tình yêu trong tiếng hát ka lêu
Tôi đã gặp Người phụ nữ H’re duyên dáng, đằm thắm ấy tại nhiều dịp lễ hội, chương trình văn nghệ ở huyện An Lão. Chị mang giọng hát mượt mà của mình, hát lên những bài ka lêu, tự hào giới thiệu đến mọi người làn điệu dân ca quen thuộc bậc nhất của người H’re.
Người tôi muốn nói đến là chị Đinh Thị Tuyết ở thôn 7, thị trấn An Lão (huyện An Lão) - một hạt nhân văn nghệ đầy tâm huyết.
Được trời phú cho giọng hát ngọt ngào, và với tâm hồn yêu văn nghệ, với tấm lòng trân quý bản sắc văn hóa dân tộc mình, chị miệt mài đóng góp phần mình vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa H’re. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân, dân ca H’re ở An Lão có nhiều làn điệu và được diễn xướng dưới nhiều hình thức. Trong đó, ka choi, ka luối là hai làn điệu dân ca cổ có từ rất lâu đời của người H’re, còn ka lêu (hay còn gọi là ta lêu) là làn điệu mới, xuất hiện từ trong những năm kháng chiến chống Pháp. Từ đó, ka lêu song hành cùng người H’re, cổ vũ đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ; ngợi ca hòa bình, ngợi ca lao động xây dựng bản làng hay thổ lộ tâm tình…
“Ka lêu (hay còn gọi là ta lêu) là làn điệu mới, xuất hiện từ trong những năm kháng chiến chống Pháp”
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN XUÂN NHÂN
Chị Tuyết có khả năng tự sáng tác, đặt lời mới ka lêu, bằng cả tiếng H’re và tiếng Việt, đồng thời hát, trình diễn chúng. Ka lêu với âm điệu, cung bậc, lời ca đặc trưng là toát lên sự nhẹ nhàng, êm dịu, khoan thai, sâu lắng. Và, giọng hát mượt mà, trong trẻo của chị Tuyết như được sinh ra để dành cất lên những bài ka lêu ấy.
Tung tăng trên lưng chiếc gùi đong đưa, rựa cầm trên tay mẹ đi làm nương. Buổi sáng cắt lúa chiều về hái bắp, ban ngày nương rẫy tối lại về ru con, à ơi… Bố đi phương xa gìn giữ quê hương, con nằm trong nôi con ngủ cho ngoan, mỗi khi xuân sang tiếng chiêng rộn vang, tiếng mẹ ru con con ngủ cho ngoan… Giữa buổi trưa yên tĩnh, trong ngôi nhà nhỏ của gia đình chị ở thôn 7, thị trấn An Lão, tôi ngồi nghe chị Tuyết hát. Bài vừa rồi (Mùa xuân về trên bản làng) sang bài Tiếng ru mùa bơ-râm (mùa rẫy) rồi bài Chiều về bên dòng sông Đinh… Đó là những bài ka lêu mới nhất mà chị “tức cảnh sinh tình” và nhẩm hát khi đang phát rẫy, khi đi dọc triền sông bắt ốc đá, hái rau dớn…, để rồi về đến nhà lật đật tìm giấy bút viết ra ngay kẻo quên. Chị ghi lại vừa để cho mình, bổ sung vào vốn bài hát ka lêu mới mà chị có, vừa để dạy lại cho những phụ nữ H’re ở địa phương. Bởi, từ nhiều năm rồi, chị Tuyết là thành viên cốt cán của Câu lạc bộ văn nghệ quần chúng thôn 7, thị trấn An Lão.
“Mình thích hát từ nhỏ, đến bây giờ vẫn vậy, không chỉ hát trên sân khấu khi biểu diễn văn nghệ mà bất kể lúc nào thích hợp, ru con cũng hát, làm việc nhà cũng hát, làm rẫy cũng hát… Ka lêu như người bạn tâm tình, khi hát mình làm việc thấy như đỡ nặng nhọc hơn, làm quên cái nắng gay gắt trên đầu. Ka lêu làm cho người phụ nữ H’re duyên hơn. Lớn lên, biết ka lêu là âm nhạc dân gian cổ truyền, độc đáo của người H’re mình thì mình càng yêu quý, có ý thức giữ gìn, làm giàu thêm những bài ka lêu”, chị Tuyết tâm sự.
Nặng lòng với văn hóa của cha ông, lại năng nổ trong công tác phong trào, chị tích cực tham gia cho “đội nhà” An Lão vào các đợt ngày hội văn hóa - thể thao miền núi cấp tỉnh, liên hoan - hội diễn dân ca trong tỉnh. Tại đó, giọng hát say đắm lòng người của chị càng có dịp phát huy, ngân vang. Và qua đó, chị cũng nhận về cho mình không ít niềm vui: giải Nhất tại Liên hoan Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình huyện An Lão năm 1998; giải C tại Liên hoan hát ru, hát dân ca tỉnh năm 2005; giải Ba đơn ca “Điệu chày bên bến sông Re” tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần IX - năm 2007; giải Nghệ nhân hát hay tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần X- năm 2009…
Các cán bộ văn hóa của huyện An Lão cho tôi biết thêm, ngoài đam mê và năng khiếu hát ka lêu, chị Đinh Thị Tuyết còn góp nhặt sưu tầm những điệu dân vũ H’re rồi dạy lại cho những hạt nhân văn nghệ khác ở địa phương. Tham gia công tác phụ nữ ở địa phương, trong khả năng của mình, người phụ nữ H’re này cũng luôn tràn đầy nhiệt huyết trong việc tập hợp hạt nhân văn nghệ, thanh niên địa phương, để thông qua hoạt động văn nghệ mà bồi đắp lòng yêu quý văn hóa bản địa trong lòng họ. Thẳm sâu trong những việc làm nhỏ và ý nghĩa, thiết thực ấy là lòng yêu quý và tự hào về văn hóa truyền thống của cha ông mình. “Người phụ nữ hát ka lêu” này bộc bạch: “Là người H’re, tôi tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình và những việc bé nhỏ tôi có thể làm cho quê hương là đóng góp công sức, gửi tình yêu đến đồng bào mình, bản làng mình”.
SAO LY