Tái định cư cho dân thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (Phù Cát):
Cần kiên quyết hơn
Qua những mùa mưa bão, bờ biển Trung Lương tiếp tục bị xâm thực nghiêm trọng khiến hàng chục hộ dân ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (Phù Cát) nơm nớp lo sợ. Xóm chài ngày càng bị thu hẹp vào đất liền, hàng chục ngôi nhà nằm ngấp nghé trước miệng “hà bá”.
Nơm nớp lo sợ
Ông Nguyễn Dưỡng - một người dân có 67 năm sinh sống tại làng biển Chánh Lương (thôn Trung Lương), lo lắng: “Năm 1998, một trận bão lớn quét qua làng biển cuốn phăng cả dãy 25 ngôi nhà nằm ở phía trước. Từ đó đến nay, tình trạng biển xâm thực, xói mòn ngày một nghiêm trọng. Riêng nhà tôi, khoảng cách từ chân tường đến miệng sóng khoảng 30 m, nhưng giờ cũng chỉ còn chưa đầy 2 m”. Cũng do nằm sát biển Trung Lương, nên hơn 10 năm nay, cứ vào mùa mưa bão là gia đình bà Nguyễn Thị Thìn lại thu gom đồ đạc, dắt díu nhau đi lánh nạn. “Sống cái kiểu này khổ lắm. Cứ nơm nớp lo nửa đêm sóng biển ào vào nhà là thu dọn không kịp. Mong sao chính quyền địa phương sớm có giải pháp để bà con chúng tôi không phải phập phồng lo sợ nữa”, bà Thìn than thở.
Không riêng gì nhà ông Dưỡng, bà Thìn, 116 hộ dân khác nằm sát bờ biển thuộc thôn Trung Lương cũng luôn lo sợ mỗi khi mùa mưa bão tới. Đáng quan ngại, hàng chục ngôi nhà nằm nép sát miệng sóng ở phía Đông và phía Bắc thôn Trung Lương như: xóm Chánh Nghĩa, Chánh Lương, Chánh Đông 1, Chánh Đông 2 và xóm Chánh Phước do liên tục bị sóng biển “vỗ” nên khoảng cách tính từ chân tường đến miệng sóng chừng 2 m. Nhiều ngôi nhà đang đứng trước nguy cơ bị khoét rỗng chân tường và đổ sập xuống biển bất kỳ lúc nào.
“Mỗi mùa mưa bão, triều cường đi qua, bờ biển lại bị gặm nhấm, bào mòn. Nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ mất nhà, tài sản, thấp thỏm nỗi lo. Toàn thôn hiện có 715 hộ/3.100 nhân khẩu, trong đó, có 118 hộ hiện đang sống trong vùng nguy hiểm cần phải di dời đến nơi an toàn”, ông Lê Dương Thanh, Trưởng thôn Trung Lương, cho biết.
Tái định cư cho dân: Còn đó nỗi lo
Trước thực trạng trên, vấn đề di dời, tái định cư (TĐC) cho bà con được các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát, cấp đất cho 21 hộ tại những vùng sạt lở, vùng bị thiên tai bão lũ uy hiếp ở thôn Trung Lương đến khu TĐC ở thôn Phương Nghi có diện tích 6 ha. Đến nay, đã có 10 hộ xây dựng nhà ở kiên cố; mỗi hộ nhận từ 140 - 150 m2 đất theo từng đề án quy hoạch và được ngành chức năng hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời nhà”.
Cũng theo ông Thiện: Dù địa phương luôn sâu sát trong vấn đề TĐC cho bà con sinh sống ở vùng sạt lở, nhưng ngặt nỗi, bà con vẫn còn nặng tâm lý “tiếc của”. Địa phương đã tạo điều kiện cho người dân trong vấn đề TĐC bằng phương án vào mùa biển êm người dân có thể sinh sống tại nơi ở cũ để bám biển sản xuất nhưng không được cơi nới, sang nhượng. Mùa mưa bão thì cần phải ở tại khu TĐC địa phương đã cấp đất, nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp nguy hiểm không chịu di dời, dù địa phương đã tích cực vận động và tuyên truyền. Trong năm nay, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện công tác xét duyệt và di dời thêm 20 hộ dân sinh sống ở vùng chịu ảnh hưởng nguy hiểm thiên tai ở thôn Trung Lương lên khu TĐC.
Để sớm thoát khỏi khu vực nguy hiểm, người dân Trung Lương cần nỗ lực vượt qua khó khăn xây dựng chỗ ở mới tại khu TĐC. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội ở khu TĐC để người dân vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm “an cư lạc nghiệp”; đồng thời, kiên quyết di dời những hộ quá gần mép nước, có nguy cơ bị sóng cuốn trôi để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
HOÀNG NHẬT MINH