Tôn vinh nét đẹp người lao động
Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Nét đẹp người lao động” do Nhà Văn hóa Lao động tỉnh tổ chức đã tạo điều kiện để các tay máy trong tỉnh thể hiện những cung bậc cảm xúc, nắm bắt từng nhịp điệu làm việc hăng say của người lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau trong tỉnh.
Cuộc thi ảnh nghệ thuật về đề tài người lao động này đã thu hút sự tham gia của gần 30 tác giả, với 340 tác phẩm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt, thành viên Ban giám khảo cuộc thi, đánh giá: “Cuộc thi đã thành công nhờ sự hưởng ứng tích cực của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, những người đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật trong tỉnh. Tác phẩm tham gia phong phú, chất lượng, thể hiện đúng yêu cầu đặt ra của cuộc thi. Ban giám khảo đã có sự đồng thuận cao trong việc phân tích, lựa chọn tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, cách thể hiện mới”.
Người đoạt giải cao nhất chính là tác giả cao tuổi nhất, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Chai, 77 tuổi. Nghệ sĩ Phạm Văn Chai tâm sự: “Đi thực tế nhiều, có nhiều bức ảnh về đề tài người lao động, tôi đã gửi hơn 20 tác phẩm tham gia cuộc thi. Với tác phẩm đoạt giải, tôi thấy mình có thêm nguồn động viên, chia sẻ thành quả sáng tạo nghệ thuật”.
Tác phẩm “Vũ điệu ra khơi” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Chai được đánh giá cao qua cách xử lý kỹ thuật bắt mắt, tính hình tượng cao. Nhân vật trong ảnh - một phụ nữ làng chài ở huyện Hoài Nhơn - thu dọn lưới mà uyển chuyển như “đang múa”, với nụ cười tươi tắn, tràn đầy tinh thần hăng say lao động. Ông còn gây ấn tượng với tác phẩm “Nốt nhạc” đoạt giải Ba, thể hiện hình ảnh những người công nhân Công ty cổ phần Xây dựng 47 đang miệt mài làm việc trên dàn sắt công trình nổi bật giữa nền trời, như những “nốt nhạc lao động” trong bài ca công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau khi có kết quả cuộc thi “Nét đẹp người lao động”, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đã tổ chức triển lãm 40 tác phẩm tuyển chọn tại Bookaphe. Ông Nguyễn Thành Thư, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động, cho biết: “Chúng tôi tổ chức triển lãm tại không gian mở, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng công chúng tiếp cận với tác phẩm. Thời gian tới, các tác phẩm đoạt giải cao sẽ tiếp tục được giới thiệu trong nhiều hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, nhằm phát huy thành quả sáng tạo nghệ thuật, tôn vinh người lao động”.
Tác phẩm “Công trình mới” đoạt giải Nhì của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đăng Huy thể hiện được không khí lao động tích cực của công nhân Công ty cổ phần Xây dựng 47 trong không gian nên thơ của buổi sáng sớm. Các tác phẩm đoạt giải Ba như “Nắng tốt” của Nguyễn Ngọc Tuấn, “Những dấu vạch” của Võ Chí Hà, “Quà của biển” của Hứa Thiện cũng đã thể hiện được vẻ đẹp của người lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Trong số tác giả đoạt giải, đáng chú ý là tay máy mới Đặng Thanh Phương, hiện là giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn. Anh đoạt 2 giải Khuyến khích với các tác phẩm “Đưa đất về lò gạch” và “Thu hoạch lúa”. Đó là những tác phẩm thể hiện được sự hăng say, chịu khó đi thực tế sáng tác của anh để nắm bắt những hình ảnh đẹp trong không khí lao động hăng say nơi làng quê.
Bên cạnh những thành công, cuộc thi “Nét đẹp người lao động” cũng có những hạn chế, khi số lượng tác phẩm khai thác vẻ đẹp của đối tượng công nhân, viên chức còn ít. Vẻ đẹp của lực lượng “lao động trí tuệ” cũng chưa được các tác giả quan tâm khai thác. Thiết nghĩ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cần có sự hỗ trợ, phối hợp nhiều hơn để khuyến khích Nhà Văn hóa Lao động tỉnh cố gắng tổ chức tiếp cuộc thi này. Qua đó, tạo sân chơi thiết thực, khuyến khích các tay máy tập trung tôn vinh người lao động trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước.
HOÀI THU
Tôi đọc xong bài viết này, xem được 1 ảnh đạt giải nhất của Phạm Văn Chai, nhưng tôi còn thòm thèm vì không được thỏa mãn xem các bức ảnh khác đoạt giải nhì, ba...như thế nào? Tôi thấy, các báo khác, thường thì khi họ viết bài như vậy, họ đăng luôn một loạt ảnh, tạo một đường link riêng, ai muốn xem nhiều hơn thì vào đó xem, rất thích! Ví dụ như báo: VNExpress. Tờ báo đã giúp độc giả tham quan luôn phòng trưng bày ảnh, ngồi một chỗ mà biết đầy đủ về sự kiện! Phải chăng Báo Bình Định lập luận rằng: ai muốn xem kỹ, xem nhiều hơn 1 bức ảnh mà báo đã đăng, thì đến phòng trưng bày của Nhà VHLĐ để xem ? Tôi nghĩ: báo mạng đâu có sợ bị chiếm chỗ như báo in. Vậy sao lại gói gọn chỉ trong một bức ảnh như vậy? Tôi đã góp ý lần thứ hai, không biết có hữu ích với tờ báo mà tôi thích đọc hàng ngày hay không, mà tại sao không thấy BBT tiếp thu?