Hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện năm 2014:
Tăng cường “kết nối” giữa địa phương và các sở, ngành
Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) cấp huyện hiện đã được quan tâm và dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, để KHCN thật sự mang lại hiệu quả thiết thực tại các địa phương, vẫn cần những điều chỉnh để phù hợp với thực tế và phát huy hiệu quả cao hơn.
Theo đánh giá tại Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN cấp huyện năm 2013 vừa được tổ chức, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong tỉnh, song hoạt động KHCN cấp huyện vẫn còn một số tồn tại. Đến nay, chỉ có huyện Phù Mỹ đã bố trí được cán bộ chuyên trách KHCN, các huyện còn lại đều là cán bộ kiêm nhiệm, chưa có biên chế chính thức cho người theo dõi hoạt động KHCN theo quy định. Các địa phương được bố trí thêm 4% trong tổng vốn đầu tư của địa phương cho tiềm lực KHCN, tuy nhiên, hầu hết đều lúng túng, chưa thực hiện.
Hoạt động KHCN cấp huyện sẽ tăng cường triển khai các nghiên cứu, các mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Trong ảnh: Tham quan cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa ở xã Tây Vinh - huyện Tây Sơn.
Ngoài những khó khăn, tồn tại do cơ chế và các điều kiện khách quan, một trong những yếu tố khiến cho hoạt động KHCN tại một số địa phương chưa thật sự phát huy hiệu quả là do chưa hình dung hết những hoạt động KHCN cần phải triển khai, nên đã chi không phù hợp số kinh phí sự nghiệp KHCN được bố trí hàng năm. Đối với các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của KHCN và đã bắt đầu triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sản phẩm đặc sản địa phương… như TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Phù Mỹ…, kinh phí được cấp vẫn còn thấp so với nhu cầu. Trong khi đó, một số huyện lại sử dụng không hết hoặc không biết phải chi như thế nào cho đúng.
Hoạt động KHCN cấp huyện bao gồm các nội dung: xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN; thực hiện đề tài nghiên cứu; thông tin tuyên truyền phổ biến về KHCN, tập huấn nghiệp vụ, điều tra thống kê KHCN, hỗ trợ phát triển các đặc sản địa phương, thanh tra việc chấp hành pháp luật KHCN…
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động KHCN cấp huyện năm 2013 và triển khai công tác năm 2014, ý kiến của lãnh đạo các địa phương đều xoay quanh các vấn đề: Để khắc phục những tồn tại, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động KHCN cần bố trí cán bộ chuyên trách KHCN tại từng địa phương. Sở KHCN cần thường xuyên mở lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn để hoạt động KHCN tại địa phương phát huy hiệu quả. Các ngành liên quan và địa phương cũng cần có sự gắn kết hơn để góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Ông Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN, cho biết: Để nâng cao nhận thức về KHCN, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền và chủ động nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động KHCN. Hoạt động nghiên cứu khoa học ở cấp huyện nên tập trung nghiên cứu các ứng dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao năng lực quản lý. Đồng thời, chủ động đề xuất những vấn đề cấp thiết của địa phương để Sở KHCN có thể hỗ trợ hoặc có những đề xuất kịp thời với các ngành liên quan. Trong năm nay, Sở KHCN sẽ tiến hành 2 đợt tập huấn nghiệp vụ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về công tác thanh tra, công tác quản lý nhà nước về KHCN, và sẽ tăng cường sự phối hợp với các địa phương trong việc triển khai các hoạt động KHCN. Trong thời gian tới, sau khi thống nhất với Sở Tài chính, Sở KHCN sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương về cách thức chi 4% trong tổng vốn đầu tư của địa phương cho tiềm lực KHCN để việc đầu tư cho KHCN tại các địa phương hợp lý và đạt hiệu quả.
MAI HỒNG