“Siết” hoạt động khám sức khỏe: Còn nhiều băn khoăn
Ngày 31.12.2013, Sở Y tế ra thông báo số 2223/SYT-NVY, công bố danh sách 8 đơn vị y tế trong tỉnh đủ điều kiện khám sức khỏe (KSK) từ ngày 1.1.2014. Không chỉ người dân mà ngay cả nhiều cán bộ y tế cũng ngạc nhiên trước thông tin này.
8 đơn vị nói trên là BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn, BVĐK khu vực Phú Phong, BVĐK tư nhân Hòa Bình và 4 Trung tâm Y tế: TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn. Sau đó không lâu, TTYT thị xã An Nhơn được bổ sung vào danh sách này.
Phiền hà
Đó là nhận định chung của các cán bộ y tế về tác động của việc nhiều đơn vị không được KSK. Ông Hứa Tự Thảo - Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh cho biết, từ 1.1.2014 đến nay, số lượng VĐV tham gia các hội thao, đại hội TDTT ở các xã giảm hẳn bởi một lý do rất “ngoài lề”: đi KSK xa xôi, vất vả quá!
Mỗi năm, TTYT huyện An Lão KSK cho khoảng 200 lượt người. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Lão Phan Hữu Nhơn, tuy nhu cầu không lớn, nhưng việc Trung tâm không được triển khai KSK lại ảnh hưởng không nhỏ đến người dân địa phương, nhất là với đồng bào ở những thôn, bản xa xôi, cách trở.
Để chuẩn bị tham gia Giải bóng đá, bóng chuyền, điền kinh và cầu lông học sinh toàn tỉnh năm 2014, Trường THPT số 1 An Lão và số 2 An Lão thành lập đội tuyển gồm 20 học sinh. Tuy nhiên, khi liên hệ với TTYT huyện để KSK cho các em, giáo viên thể dục của Trường THPT số 1 An Lão Lê Văn Thảo mới “ngã ngửa” khi biết Trung tâm không được phép KSK nữa. “Danh sách được rút lại còn 4 em. Tôi phải trực tiếp đón xe buýt, đưa các em xuống BVĐK khu vực Bồng Sơn để KSK”, thầy giáo Thảo cho hay.
Trong khi đó, mỗi năm tiền thu được từ KSK của TTYT huyện Vân Canh khoảng 50-70 triệu đồng. Với một đơn vị miền núi, đây là một khoản thu đáng kể. Tuy nhiên vấn đề lại không nằm ở chỗ đó. “Không được KSK, “thiệt hại” của chúng tôi chẳng đáng kể so với nỗi vất vả của người dân, nhất là học sinh cần theo dõi sức khỏe thường xuyên. Gần đây, mỗi ngày vẫn có 2-3 người đến Trung tâm kèo nài, năn nỉ được KSK, chúng tôi phải đưa văn bản giấy tờ ra họ mới thông cảm”, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh Nguyễn Văn Ngọ bày tỏ.
Những đơn vị không được triển khai KSK “than trời” đã đành, đơn vị được thực hiện cũng không lấy gì làm hào hứng. Từ khi TTYT huyện An Lão và Hoài Ân bị “đình chỉ”, khi có nhu cầu KSK, người dân ở 2 huyện này phải xuống BVĐK khu vực Bồng Sơn. Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn Lê Thân chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, lượng người đến KSK tăng gấp đôi so với trước. Bệnh viện vốn đã đối mặt với áp lực quá tải, nay lại thêm vất vả với “gánh nặng” này”.
Siết có chặt?
Thông báo số 2223/SYT-NVY nêu rõ, việc cho phép các đơn vị y tế được KSK căn cứ vào các quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 6.5.2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn KSK và các điều kiện về nhân lực và trang thiết bị hiện có tại các đơn vị. Điểm “oái oăm” nhất của thông tư này nằm ở khoản 1, điều 9: “Người thực hiện khám lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh phù hợp với chuyên khoa mà người đó được giao trách nhiệm khám”. Hầu hết các đơn vị y tế tuyến huyện đều thiếu bác sĩ ở các chuyên khoa lẻ, điển hình là TTYT huyện Vĩnh Thạnh và Vân Canh đều thiếu nhân lực ở 4 chuyên khoa da liễu, tai mũi họng, răng hàm mặt và mắt. “Chúng tôi có đủ chuyên trách được đào tạo ngắn hạn, tuy nhiên họ chỉ có chứng nhận, chứ không có chứng chỉ nên đành chịu thôi”, bác sĩ Hứa Tự Thảo lý giải.
“Siết chặt hoạt động KSK không chỉ chú trọng điều kiện về nhân lực của đơn vị y tế, mà còn phải giám sát chặt hơn quy trình khám, nhất là đối với những đối tượng đặc thù như vận động viên điền kinh. Bệnh viện chúng tôi đã nghiêm cấm tuyệt đối hiện tượng KSK mà không có người đến khám, đây cũng là một việc quan trọng trong quản lý hoạt động KSK”.
Bác sĩ LÊ THÂN, Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Đa số lãnh đạo các đơn vị y tế đều cho rằng việc “siết” hoạt động KSK là cần thiết, nhưng việc cụ thể hóa những quy định của Thông tư 14 chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi, các đơn vị y tế từ cơ sở đến tuyến tỉnh đều thiếu bác sĩ trầm trọng.
Lãnh đạo một đơn vị y tế đặt vấn đề, một người được quyền khám chữa bệnh, sao lại không được KSK? Cơ sở đủ điều kiện khám chữa bệnh, sao lại không được KSK? Nếu lấy chứng chỉ hành nghề làm tiêu chuẩn thì cũng chưa thật sự thuyết phục. Bởi hiện tại, trong một ca trực cấp cứu ở bệnh viện tuyến huyện, một bác sĩ chuyên khoa Nhi không có chứng chỉ về Nội khoa vẫn tiếp nhận và xử lý các ca bệnh Nội khoa.
Mặt khác, mỗi đợt khám sức khỏe cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ, TTYT huyện Vân Canh khám cho 200-400 người trong 3-4 ngày. “KSK nghĩa vụ quân sự cũng rất quan trọng, chúng tôi vẫn làm tốt, sao lại không được KSK thông thường?”, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ nhấn mạnh.
Trong tình thế “chẳng đặng đừng”, có trung tâm y tế đã chọn giải pháp hợp đồng với các bác sĩ chuyên khoa ở đơn vị khác để KSK vào một số ngày nhất định. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ phù hợp với đơn vị thiếu một hai chuyên khoa lẻ. Với các đơn vị thiếu nhân lực trầm trọng, như TTYT huyện An Lão hiện chỉ có bác sĩ ngoại, nội - nhi, thì việc hợp đồng “thuê người” hoàn toàn không khả thi. 2 lý do chính là tốn kém, khó đáp ứng được nhu cầu của người dân vì việc KSK thường mang tính bất chợt.
Giải pháp căn cơ được nhiều người đề xuất là mở rộng phạm vi hoạt động cho các bác sĩ đa khoa được đào tạo những kiến thức sơ bộ về chuyên khoa lẻ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phan Hữu Nhơn, để có được sự thay đổi lớn, rất cần sự lên tiếng của lãnh đạo nhiều địa phương. Bác sĩ Hứa Tự Thảo cho biết, TTYT huyện Vĩnh Thạnh hiện đang tham mưu cho UBND huyện để có đề nghị chính thức lên UBND tỉnh về việc thay đổi quy định KSK như hiện nay.
NGUYỄN VĂN TRANG