Hồn quê trong “Thơ tình tặng lúa”
Hồ Thế Phất thường được bạn bè văn chương “bình chọn” là nhà thơ nông dân nhất trong số những nhà thơ nông dân ở đất Bình Định. Bởi thơ ông giản dị, chân quê từ đề tài đến cách thể hiện. Đặc biệt, một tình yêu lớn, một nguồn cảm xúc chưa từng cũ mòn hay vơi cạn về người nông dân và đồng ruộng hầu như nhất quán trong hành trình thơ của ông. Điều này càng thể hiện đậm đặc trong tập thơ mới nhất của Hồ Thế Phất vừa ra mắt độc giả đầu năm 2014 - “Thơ tình tặng lúa”.
Tất cả 52 bài thơ trong tập “Thơ tình tặng lúa” không phải là những sáng tác mới của Hồ Thế Phất. Đây là thơ cùng chủ đề, được viết từ những năm 70, 80, 90 (thế kỷ XX) và từ những năm 2000 đến nay, xếp chung trong tập này, theo chủ ý của tác giả. “Đây là thơ về lúa, dành tặng… lúa, một đối tượng miêu tả, đối tượng tôn vinh mà tôi viết mãi không chán từ khi tập tành làm thơ đến tận giờ, nay muốn gom vào một tập”, tác giả lý giải.
Trong đằng đẵng gần 50 năm ròng, với một “nàng thơ” ấy, Hồ Thế Phất gửi vào không biết bao nhiêu là ngắm nhìn, miêu tả, ngợi ca, tình tự… Trước sau, vẫn vẹn nguyên, tròn đầy một cảm xúc tinh khôi, chân thành, tha thiết, đắm say. Phấn hoa trắng muốt cánh đồng/ gió xôn xao gợn sóng lòng reo ca/ gié oằn mẩy sữa vú hoa/ em mơn mởn tuổi đào ba xuân thì/ lúa thủ thỉ lời vân vi/ nghe như tiếng gọi tình si em mời/ thơ tình tặng lúa, lúa ơi/ anh tương tư tận chân trời vàng mơ (Thơ tình tặng lúa).
Và đây nữa: Bông lúa trắng nụ cười/ gié lúa cong hàng mi/ hạt lúa vàng áo lụa/ lúa hay em - hỡi người! (Hỏi người). Điều thường thấy, trong nhiều bài thơ của mình, Hồ Thế Phất vẫn thường “nói chuyện” với lúa như trò chuyện với người tình. Sáng tạo hơn là khi ông đồng nhất cây lúa với người thiếu nữ. Ta thấy ở đây, trước lúa hay nói rộng hơn là trước bức tranh quê lam lũ mà hữu tình, một người trọn đời gắn đời mình trên đồng ruộng như Hồ Thế Phất như bỗng hóa chàng trai trẻ thị thành, nhìn lúa bằng đôi mắt của kẻ si tình, đầy háo hức, ngạc nhiên và say đắm. Choáng ngợp, say sưa trước vẻ đẹp thôn dã lộng lẫy ấy, chàng dành cho lúa những ví von, ngợi ca và thơ. Có thể nói không quá rằng, đây có lẽ là một trong những câu thơ nói về lúa lãng mạn nhất.
Còn đây là những câu thơ ông “họa” người nông dân: Dày sương gió trông hóa già trước tuổi/ áo bà ba mang hương đất, hương trời/ yêu biết mấy con trâu, đồng ruộng/ nắng và mưa thêm rắn rỏi thân người/ Từ câu nói nghe hiền hòa chân thật/ có chút gì cục mịch nữa người ơi/ trong ý nghĩ thốt ra lời bộc trực/ chẳng bao giờ biết đưa đẩy mảy may (Nông dân). Cảm hứng bất tận và tình yêu lớn dành cho người nông dân một nắng hai sương giúp tác giả có một sự liên tưởng thật sáng tạo, thật đẹp: Người sạ lúa em ơi/ mắt đăm về phía trước/ tay vãi giống nhịp nhàng/ ngỡ như người nhạc trưởng (…) / Bắt nhịp ruộng đồng ca (Người nhạc trưởng trên cánh đồng).
Ở bài “Hơn vạn bài thơ”, bài thơ xếp thứ 2 theo thứ tự trong tập thơ này, hai câu thơ sau đây đã làm tôi giật mình lo lắng: Ném bút không thèm mơ chữ nghĩa, cầm roi ví thá thế mà vui. Nửa như hờn dỗi, bâng quơ lại như có chút gì bất đắc chí, cương quyết đoạn tuyệt. Tôi thật sự lo, “rủi” một ngày, Hồ Thế Phất không đến nỗi “ném bút” mà từ tốn gác bút thật, làng thơ Bình Định sẽ vắng bóng một gương mặt quen thân, một giọng thơ hiền hòa, chân chất như người viết ra chúng. Chột dạ, rồi nhìn xuống mốc thời gian đề bên dưới bài thơ ấy, và thở phào: viết năm 1977! Cái ý định hoặc đã thành hành động - “ném bút” ấy - dẫu sao cũng đã là câu chuyện xa lắc lơ. Mãi đến nay, năm 2014, Hồ Thế Phất mới vừa in thơ - tập thơ thứ 7. Ông cho biết sẽ còn ra tiếp tập “Bóng nhan sắc” trong nay mai.
Vậy đó, nghiệp thơ vẫn sẽ còn đeo đẳng ông, và bạn đọc chờ đợi để đón đọc những vầng thơ mới đầy hương đồng gió nội của Hồ Thế Phất.
KHẢI THƯ