Chuyện sinh con thứ 3 ở Hoài Ân:
Vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm
Nhiều năm qua, công tác DS-KHHGĐ ở huyện Hoài Ân có chuyển biến tích cực, chất lượng dân số không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, dù tỉ lệ người sinh con thứ 3 có giảm, nhưng số đối tượng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 vẫn còn nhiều.
Trong năm 2013, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Ân đã phối hợp với Hội LHPN huyện và các xã thành lập và ra mắt 11 CLB không sinh con thứ 3, với sự tham gia của 230 cặp vợ chồng trong diện sinh đẻ. Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ được triển khai rộng khắp; có 820 người thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng, đạt gần 90% kế hoạch. Trung tâm cũng mở 4 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho 186 cán bộ trạm y tế, chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số thôn bản. Đồng thời, tập huấn triển khai Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho chủ nhiệm các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3.
Công tác vận động, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỉ lệ người sinh con thứ 3.
- Trong ảnh: Lễ ra mắt CLB không sinh con thứ 3 ở xã Ân Hảo Tây.
Nhờ đó, năm 2013, cả huyện có 1.076 trẻ được sinh ra, giảm 48 trẻ so với năm 2012, tỉ suất sinh giảm 0,6%. Trong đó, số trẻ là con thứ 3 trở lên là 230 trẻ, chiếm 21,3%, giảm 2,5% so với năm 2012. Các xã có tỉ lệ sinh con thứ 3 cao là Ân Đức, Ân Phong, Ân Nghĩa, Ân Tường Tây, Ân Hảo Đông, Ân Mỹ. Điều đáng chú ý là trong số này vẫn có một số đối tượng là cán bộ, đảng viên. Năm 2010, toàn huyện có 267 người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 2 cán bộ, đảng viên. Năm 2011, có 161 người sinh con thứ 3, trong đó có 5 người là cán bộ, đảng viên. Năm sau đó, trong 230 người sinh con thứ 3 có đến 10 cán bộ, đảng viên. Trong đó có 3 cặp vợ chồng đều là giáo viên, 8 người là đảng viên, 2 người là cán bộ y tế. Năm 2013, huyện Hoài Ân có 6 cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3, trong đó có tới 5 giáo viên. Riêng Trường Tiểu học số 2 Ân Tường Tây có 2 giáo viên; Trường THCS Ân Đức có 1 cặp vợ chồng.
Ông Huỳnh Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Ân Tường Tây, cho biết: “Nhiều năm liền các phong trào thi đua của trường đều rất xuất sắc. Nhưng đến năm 2013 thì các danh hiệu thi đua đều mất hết vì có người sinh con thứ 3”.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, cán bộ tổ chức Phòng GD&ĐT huyện Hoài Ân, Phòng đã xử lý số giáo viên sinh con thứ 3 trong 2 năm 2012-2013 theo đúng quy định: không xét nâng lương đến kỳ hạn, kỷ luật ở mức cảnh cáo, không xét khen thưởng danh hiệu thi đua. Đồng thời, các trường có giáo viên vi phạm đều bị xem xét hạ bậc thi đua.
Tuy nhiên, việc không dừng ở đó, hiện tượng nhiều cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 khiến công tác vận động thực hiện các phong trào của địa phương trở nên khó khăn. Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Ân, cho biết, nhiều thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa trong nhiều năm liền, nhưng lại bị mất danh hiệu chỉ vì tỉ lệ sinh con thứ 3 cao. Điển hình như thôn Gia Chiểu 2, thị trấn Tăng Bạt Hổ đã được bảo lưu danh hiệu Làng văn hóa 11 năm liền, nhưng đã mất danh hiệu trong năm 2013 chỉ vì tỉ lệ sinh con thứ 3 trên 25%.
Bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Ân, nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 là do còn tồn tại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Bên cạnh đó, việc bổ sung, sửa đổi Điều 7, Quy định số 94-QĐ/TW ngày 15.10.2007 của Bộ Chính trị khóa X về xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ giảm nhẹ so với trước đây, nên cũng làm giảm tính răn đe.
Để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trong cán bộ, đảng viên, ngoài nỗ lực tuyên truyền của ngành chức năng cùng chế tài xử phạt đủ mạnh, rất cần ý thức, tinh thần tự giác, gương mẫu của mỗi người.
VĂN HÙNG