Nỗi buồn môn Sử!?
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay có sự đổi mới khi học sinh được đăng ký hai môn tự chọn. Tuy còn khá nhiều thời gian để học sinh lựa chọn và đăng ký môn thi, nhưng các kết quả khảo sát sự lựa chọn của học sinh tại nhiều trường trong cả nước cho thấy gần như không có sự lựa chọn dành cho môn Sử.
Trong kỳ thi năm ngoái, việc không thi môn Sử đã trở thành “sự kiện” khuấy đảo dư luận xã hội bởi sự vui mừng tột độ của học sinh. Thậm chí không ít báo chí năm trước đã đồng loạt đưa tin về việc hàng trăm học sinh lớp 12 ở một trường THPT của TP HCM đã hò reo vang dội và có hành vi “phản cảm” là xé bỏ đề cương ôn thi môn này và tung trắng sân trường ngay sau khi nhận được thông tin.
Câu chuyện học sinh mừng vì thoát thi môn Sử năm trước, không chọn môn Sử ở năm nay hay việc có đến hàng ngàn bài thi môn Sử khối C trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm vừa qua bị điểm 0 đã làm cho dư luận không ít lần “dậy sóng” của một câu chuyện buồn - học sinh “ngán” học Sử (!).
Các cung bậc biểu lộ cảm xúc không mấy tích cực của học sinh đối với môn Sử đã xuất hiện từ lâu, có nguyên nhân sâu xa từ những khiếm khuyết của chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học môn Sử trong các nhà trường phổ thông. Cái mà dư luận xã hội đã “mổ xẻ” rất nhiều lần là chương trình môn Sử vẫn quá nặng nề, vẫn chỉ nhằm nhồi nhét vào đầu học sinh thật nhiều sự kiện, con số, mốc thời gian, tên nhân vật và bắt học sinh nhớ một cách máy móc, làm cho các em không thể tiếp thu mà còn chán ngán. Thậm chí, sự ngán ngẩm đến mức Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng phải phát biểu “Nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán môn Sử!”.
Sau rất nhiều ý kiến về việc phải nhanh chóng cải cách môn học Lịch sử, cho đến nay việc dạy và học môn này vẫn thế và hầu hết học sinh không lựa chọn Sử là môn thi tốt nghiệp THPT năm nay là một minh chứng rõ ràng. Thậm chí, có thầy giáo đã nhận xét: việc đưa Sử thành môn thi tự chọn chẳng khác nào bồi thêm cho môn Sử “một cú đánh chí mạng”!
“Dân ta phải biết sử ta” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nền giáo dục. Vì thế việc học sinh ngán học môn Sử là vấn đề không thể xem nhẹ. Làm thế nào để phát huy các giá trị lịch sử vẻ vang của dân tộc khi mà môn học về lịch sử trong nhà trường phổ thông thành nỗi sợ hãi ám ảnh đối với học sinh vẫn đang là “món nợ” chưa trả của ngành giáo dục nước nhà.
Tâm Minh
Học sinh chúng ta không học sinh dốt SỬ đâu, cũng đừng đủ thừa cho thầy giáo nào dạy dở cả ,mà đó là sự tất yếu của những người đứng đầu nền giáo dục của chúng ta . hãy quay lại cách thi tốt nghiệp của 20 năm về trước là cách tốt nhất