“Bác sĩ” của đồng hồ cổ
Những chiếc đồng hồ cổ, xưa cũng như những người già, trở trời trái gió thường hay đau ốm. Để chúng có thể chạy tốt đòi hỏi phải được bảo dưỡng thường xuyên và có “bác sĩ chuyên trị”. Ở TP Quy Nhơn, anh Nguyễn Văn Đức chính là vị bác sĩ tin cậy của rất nhiều người chơi đồng hồ cổ.
1.
Được sự mách nước của những người chơi đồng hồ cổ, chúng tôi tìm đến gặp chủ tiệm sửa chữa đồng hồ Đồng Hưng (290 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn) là anh Nguyễn Văn Đức, người đã “phục hồi sự sống” cho rất nhiều chiếc đồng hồ cổ.
Khi được hỏi về “cơ duyên” đến với nghề, anh Đức dẫn chúng tôi ra xem chiếc tủ đồng hồ rất cũ kỹ, nhiều chữ đã bong tróc… được đặt trang trọng ngay đầu cửa tiệm. “Ba tôi (Nguyễn Hườn) là thợ sửa đồng hồ có tiếng từ thời Pháp thuộc, tay nghề ông giỏi nên được bầu làm tổ trưởng của những người thợ sửa đồng hồ ở Quy Nhơn khi ấy. Năm 7 tuổi, tôi đã được ba cho tập mở các loại con ốc đồng hồ, rồi lau dầu… để làm quen và từng bước truyền đạt dần những kỹ thuật, kinh nghiệm ông tích lũy cả đời làm nghề. Dù cha tôi đã qua đời cách đây đã 7 năm, tôi vẫn giữ lại nguyên gốc chiếc tủ đồng hồ cũ có chữ cửa hiệu Đồng Hưng của ba để nhắc nhở mình phải luôn cố gắng làm tốt công việc như ông”, anh Đức tâm sự.
Trải qua hơn 40 năm gắn bó với nghề đồng hồ, anh Đức (năm nay 52 tuổi) đã sửa chữa, phục hồi rất nhiều loại đồng hồ cổ. Từ việc sửa chữa, phục chế những bộ phận phức tạp bên trong đến làm mới lại lớp vỏ bên ngoài, anh Đức đều thực hiện bằng sự say mê tìm tòi, khám phá qua các loại đồng hồ. Anh Đức cho biết: “Nhiều đồng hồ cổ thợ nơi khác bó tay, khi đem đến tôi “bắt đúng bệnh” nên sửa được. Biết bệnh rồi mà không nắm vững đặc trưng của từng loại đồng hồ, không có tay nghề được thực hành rèn luyện qua nhiều năm thì cũng khó chữa được đồng hồ cổ có nhiều bộ phận được làm tinh xảo và rất nhỏ. Có trường hợp khi bộ phận đầu trục của đồng hồ đeo tay nhỏ như sợi tóc, bị hư mà không có đồ mới mua thay, tôi phải mày mò khoan được một lỗ nhỏ trên đầu trục ấy để lắp thêm trục mới nhỏ hơn thì đồng hồ mới chạy”.
Nhiều người đam mê chơi đồng hồ cổ chia sẻ, mỗi chiếc đồng hồ đều ẩn chứa những giá trị lịch sử, tinh thần được họ nâng niu, bảo quản như những kỷ vật quý giá không thể thiếu. Vì vậy, khi chiếc đồng hồ cổ của mình bị hư, chủ nhân của nó cũng rất lo lắng đi tìm thợ khắp nơi sửa chữa cho bằng được. Anh Đức kể: “Có người ở quê đem đến một chiếc đồng hồ cổ có tuổi đời gần cả thế kỷ, nói đây là vật dụng quý giá gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của gia đình qua mấy đời, từng có người đến hỏi mua cả trăm triệu nhưng ông không bán. Sau khi đem đến nhiều thợ không sửa được, ông đem đến nhờ cậy tôi. Phải mất nhiều ngày nghiên cứu cơ chế hoạt động của chiếc đồng hồ này để tìm ra bệnh, rồi phục chế lại các chi tiết bị hỏng, mất…tôi mới có thể giao lại đồng hồ trong sự xúc động của khách”.
2.
Tạo dựng được uy tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh, tiệm Đồng Hưng của anh Đức cũng là địa chỉ uy tín để mọi người ký gửi đồng hồ cổ để mua bán, trao đổi.
Hiện tại, bước vào gian phòng nhỏ nơi anh Đức ngồi sửa đồng hồ, có thể thấy gần 40 chiếc đồng hồ treo tường, đồng hồ úp ly, đồng hồ lồng đèn, đồng hồ đeo tay có niên đại trên dưới 60 năm do các nước Pháp, Đức, Nhật sản xuất. Anh Đức cho biết: “Loại đồng hồ tủ ODO treo tường được nhiều người chơi đồng hồ cổ ưa thích vì kiểu dáng đẹp và chất lượng máy móc bền. Điểm hay của đồng hồ này là cứ 15 phút đầu vang lên một bản nhạc, đến 30 phút vang lên hai bản nhạc, 45 phút vang lên ba bản nhạc, còn đúng 60 phút thì vang lên bốn bản nhạc và điểm từng tiếng nhạc chuông báo giờ luôn. Giá một chiếc đồng hồ ODO hiện nay trung bình từ 7 - 8 triệu đồng, mắc hơn là loại đời đầu có giá trên 20 triệu đồng ”.
Theo lời anh Đức, ở TP Quy Nhơn hiện nay có khá nhiều người thích sưu tầm đồng hồ cổ. Ngoài những người thích chơi đồng hồ cổ treo tường, những loại đồng hồ đeo tay các thương hiệu Rolex, Omega, Longines…xấp xỉ 50 năm tuổi cũng được nhiều người mua. Có những chiếc đồng hồ đeo tay xưa cũ như đồng hồ Omega có giá vài chục triệu đồng là chuyện thường. Sửa các loại đồng hồ đeo tay tốn công hơn nhiều so với đồng hồ treo tường, thường mất cả tuần mới xong. “Có khách hàng ngày nào cũng ghé tiệm tôi ngắm đồng hồ đeo tay, bà tâm sự rằng đeo đồng hồ xưa có cảm giác thích thú như thời gian trôi chậm hơn…”, anh Đức kể.
Để đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều khách hàng, anh Đức đã có sự hỗ trợ thêm từ người em ruột là anh Nguyễn Văn Vinh (41 tuổi), cũng là một thợ sửa đồng hồ cổ có tiếng ở Quy Nhơn. Anh Đức cũng đã tận tình truyền dạy cho học trò nhiều nơi tìm đến học nghề.
Hoài Thu