Nhiều án dân sự sơ thẩm bị hủy: Do đâu?
Năm 2013, có 40 vụ án dân sự sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy, chiếm 22% số án cấp phúc thẩm đã xét xử. Trong đó, nhiều nhất là ở Hoài Nhơn (10 vụ), An Nhơn, Tuy Phước (mỗi nơi 4 vụ), Quy Nhơn, Phù Cát (mỗi nơi 3 vụ). Nguyên nhân chính là do người trực tiếp thụ lý vụ án đã bỏ sót người tham gia tố tụng, bỏ sót yêu cầu của đương sự và thu thập chứng cứ không đầy đủ...
Phần lớn các vụ án này liên quan đến tranh chấp đất đai. Việc bỏ sót người tham gia tố tụng thường là: Bỏ sót người kế thừa, người có quyền và nghĩa vụ tố tụng; tranh chấp liên quan đến tài sản chung vợ (chồng) nhưng không đưa chồng hoặc vợ cùng tham gia tố tụng; tranh chấp quyền sử dụng đất nhưng không đưa UBND địa phương vào tham gia tố tụng vì liên quan phần đất mà chính quyền đang quản lý. Nhất là ở các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đất cấp cho hộ, cấp sơ thẩm không làm rõ hộ gồm những ai để đưa vào tham gia tố tụng.Bỏ sót người tham gia tố tụng và yêu cầu của đương sự
Bỏ sót người tham gia tố tụng, bỏ sót yêu cầu của đương sự và thu thập chứng cứ không đầy đủ, nhiều án sơ thẩm đã bị cấp trên hủy.
- Trong ảnh: Một phiên tòa dân sự cấp phúc thẩm (ảnh có tính minh họa). Ảnh: M.T
Đơn cử, vụ tranh chấp giữa nguyên đơn Phạm Thị Thuận với bị đơn Lê Đình Thuấn về quyền sử dụng đất qua việc xây dựng tường rào (bản án phúc thẩm số 28 ngày 5.4.2013). UBND xã trả lời đất của bà Thuận được Nhà nước cân đối giao đất theo Nghị định 64 cho hộ gồm 4 người, nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại không đưa những người trong hộ tham gia tố tụng.
Hoặc, như bản án phúc thẩm số 36 ngày 10.4.2013 giữa nguyên đơn Trần Văn Hiền và bị đơn Bùi Văn Minh. Vợ chồng ông Thiện (chết năm 1984), bà Trủ (chết năm 2009) để lại 1 ngôi nhà gắn liền 962 m2 đất ở. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết chia thừa kế quyền sử dụng đất nhưng lại “quên” không làm rõ vợ và 2 con riêng của ông Thiện để đưa vào tham gia tố tụng.
Trong một số vụ án, dù đương sự có yêu cầu giải quyết nhưng cũng bị cấp sơ thẩm không giải quyết (vi phạm vào Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự), dẫn đến án bị hủy. Như, vụ án ly hôn giữa nguyên đơn Nguyễn Ngọc Trí và bị đơn Nguyễn Thị Hồng Hoa (bản án phúc thẩm hôn nhân gia đình số 34 ngày 18.9.2013). Trong quá trình giải quyết vụ án, mặc dù bà Hoa yêu cầu giải quyết việc mượn vàng của cha mẹ, chi phí xây mồ mả cha mẹ chồng, công đổ đất nâng nền và công sức đóng góp cho gia đình chồng, song cấp sơ thẩm lại không xác minh làm rõ để giải quyết.
Không thu thập đủ chứng cứ
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp án bị hủy là do không thu thập đầy đủ chứng cứ, nhất là trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Người trực tiếp thụ lý vụ án (thẩm phán, kiểm sát viên) đã không làm việc với UBND cấp có thẩm quyền về việc giao đất, căn cứ, trình tự, thủ tục giao đất có đúng quy định pháp luật hay không; không làm rõ quá trình quản lý, sử dụng và kê khai đăng ký; tranh chấp đất liền kề nhưng chỉ tiến hành đo đạc một bên; lời khai của đương sự và người làm chứng mâu thuẫn, không thống nhất song lại không được tiến hành đối chất để làm rõ…
Có thể thấy qua vụ án tranh chấp giữa Huỳnh Thị Ngọc Hường và bị đơn Huỳnh Văn Trọng (án phúc thẩm số 154 ngày 19.11.2013) về quyền sử dụng 2 thửa đất liền kề được Nhà nước phân lô giao cho các hộ. Tòa cấp sơ thẩm đã không thu thập hồ sơ quy hoạch phân lô các thửa, biên bản cắm mốc và biên bản làm việc với UBND địa phương về việc đã thu hồi diện tích tăng so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vị trí nào.
Hay, như vụ án ly hôn giữa nguyên đơn Hồ Thị Tình và bị đơn Nguyễn Ngọc Ca (bản án phúc thẩm số 42 ngày 12.12.2013). Lô đất của vợ chồng ông Ca, bà Tình dù chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai, nhưng khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn thì tòa sơ thẩm lại phân chia trong khi tòa chưa xác minh tại UBND xã lô đất này ai là người đăng ký kê khai và thuộc quyền sử dụng của ai.
Ngoài ra, có một số vụ án tòa sơ thẩm tuyên không rõ ràng dẫn đến khó thi hành án. Chẳng hạn như tuyên buộc đương sự phải trả đất song không ghi rõ tứ cận và không có sơ đồ kèm theo; buộc trả đất và trên đất có tài sản nhưng lại không đề cập giải quyết tài sản trên đất; buộc giao lại giá trị tài sản nhưng không giao quyền sở hữu tài sản cho họ; tuyên đất do nhiều người quản lý nhưng lại không nêu cụ thể là gồm những ai...
MINH THU