Nâng tầm hàng Việt
Kể từ khi được phát động vào tháng 8.2009, đến thời điểm này Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trải qua hành trình hơn 4 năm triển khai thực hiện. Có thể nói, cuộc vận động đã tạo được một “cú hích” quan trọng đối với sản xuất hàng hóa, làm chuyển biến một cách tích cực đối với tâm lý và nhận thức của người tiêu dùng trong nước. Hiện nay, với nhiều người tiêu dùng trong nước, hàng Việt đã trở thành lựa chọn đầu tiên khi mua sắm.
Theo một số kết quả khảo sát thị trường đã được công bố, hiện đã có tới 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Về xu hướng tiêu dùng, trên 80% người tiêu dùng đã sử dụng hài lòng và đánh giá cao hàng Việt Nam, nhất là các mặt hàng dệt may, da giày và hàng thực phẩm, rau quả. Đây là những con số rất đáng khích lệ cho các nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt.
Thế nhưng, những kết quả rất tích cực như trên cũng chỉ là thành công bước đầu. Về lâu dài, để hàng Việt tiếp tục khẳng định vị thế của mình đối với người tiêu dùng, để việc tiêu dùng hàng Việt trở thành một thói quen hàng ngày của đông đảo “thượng đế” thì còn rất nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết.
Một trong những hạn chế của hàng Việt cần được nhanh chóng khắc phục là mẫu mã chưa phong phú, chủng loại chưa đa dạng, chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, đã đến lúc các nhà sản xuất hàng Việt cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn các nguồn lực vào khâu thiết kế, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm. Chỉ khi nào sản phẩm của Việt Nam đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, đáp ứng được thị hiếu phong phú và luôn thay đổi của người tiêu dùng, thêm vào đó là chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì mới đủ sức cạnh tranh với các loại hàng hóa nhập khẩu.
Một vấn đề khác cũng cần sớm khắc phục là hàng Việt vẫn chưa đến được với đại đa số người tiêu dùng. Cho đến nay, hàng Việt chủ yếu tiếp cận với người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn ở các đô thị. Trong khi đó, các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ là điểm mua bán, trao đổi chủ yếu của đại đa số người tiêu dùng thì vẫn rất hạn chế. Đây là hệ quả của sự liên kết còn lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hệ thống phân phối với doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất cần có chiến lược phù hợp để phủ khắp thị trường nội địa, có sự đầu tư thích đáng cho các khâu tiếp thị, phân phối sản phẩm.
Mặt khác, hiện đã có nhiều sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt, đã chiếm ưu thế ở thị trường trong nước, như: sản phẩm thực phẩm, một số thương hiệu thời trang, hàng dệt may…, nhưng chỉ có rất ít thương hiệu Việt Nam khẳng định được trên thị trường thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới cần có sự đầu tư nhiều hơn để các sản phẩm hàng Việt đã được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, trở thành các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Nói tóm lại, tiếp tục hành trình của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng tầm hàng việt lên một tầm cao mới. Cụ thể là, cùng với việc làm cho hàng Việt là sản phẩm được lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam, cũng cần tiếp tục làm cho hàng Việt là sự lựa chọn của người tiêu dùng quốc tế. Tại sao không?
HẢI ĐĂNG