Tiểu thương lùng mua hạt cau già: Mừng và lo
Vài tháng trước, cây cau ở An Lão ra trái, rồi chín rụng đầy gốc, chẳng một ai đoái hoài. Trái cau không có đầu ra, người trồng cau cũng không buồn chăm sóc cho cây. Bất thường là khoảng 2 - 3 tháng nay, tiểu thương tìm đến các vườn cau ở nhà dân và bao nhiêu cau già, cau khô họ cũng gom mua.
Tháng 11.2013, tôi có dịp đi công tác đến hai xã An Quang, An Vinh (huyện An Lão) và tận mắt thấy cảnh “cau ế” ở đây. Vườn cau nào trái cũng chín đỏ lủng lỉu trên cây, dưới gốc trái khô rụng dày thành lớp. Người dân địa phương cho biết, cau trái không có người mua, người dân thờ ơ nên cau cứ mặc sức ra hoa, kết trái rồi… tự rụng. Bà Đinh Thị Nhíu, ở thôn 3, xã An Quang, than thở: “Cau buồng non bán tại các chợ dưới xuôi (chợ tại xã An Hòa, An Tân, thị trấn An Lão…) cũng chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg, trên làng thì không có ai đến mua. Còn nếu hái cau buồng để chở xuống các chợ dưới đó bán thì vừa không đáng công vừa lỗ nặng tiền xăng nên đồng bào đành vứt bỏ!”.
Vài tháng gần đây, đột nhiên trái cau An Lão trở nên có giá, đặc biệt là cau khô, cau già đã được bóc vỏ. Ghi nhận tại An Vinh, An Dũng, phần lớn vườn cau đều không còn trái già, trái chín trên cây, dưới đất cau khô rụng cũng sạch trơn vì người dân đổ xô đi tìm mót. “Cau khô được mua với giá 5.000 đồng/kg, còn cau già mua 4.000 đồng/kg (đều đã bóc vỏ). Cau mấy năm nay ế rề, giờ bán được, không những mua cau già mà cau khô lại càng chuộng nên bà con phấn khởi lắm, lớp hái lớp đi mót cau rụng”, ông Trần Văn C, tiểu thương thu mua cau tại thôn 3, xã An Dũng cho biết. Ông cũng như nhiều người thu mua nhỏ lẻ khác lên tận làng tìm mua và về bán lại cho các đại lý thu gom ở Xuân Phong (thuộc xã An Hòa). “Ngoài cau hạt, họ còn mua trầu lá (trầu rừng), chúng tôi mua tại làng với giá 20.000 đồng/kg. Đầu nậu dặn chúng tôi phải chọn mua lá trầu tươi, không bị dập, chú ý bảo quản lá trong quá trình thu gom, chuyên chở, nghe đâu lá trầu mua về được cho vào thùng xốp và bảo quản lạnh. Cả hai món cau hạt và lá trầu rừng đều được bán lại cho những thương lái ở ngoài Bắc, khi đủ hàng họ cho xe vô tận các đại lý ở Xuân Phong để chuyển hàng đi”, ông C cho biết thêm.
Đồng bào H’re ở các xã An Dũng, An Vinh… hiện nay đang phấn khởi và bận rộn với một công việc “cũ mà mới” là ngày ngày hái cau, mót cau về bóc vỏ, đợi những người thu mua đến bán lại. Qua trao đổi, lãnh đạo hai xã An Dũng, An Vinh đều xác nhận thời gian gần đây tại địa phương xuất hiện một vài tiểu thương đến tận làng lùng mua cau hạt và hầu hết cau trái đã được thu hoạch để bán. Tuy nhiên, cả người dân, người đi thu mua lẫn chính quyền địa phương đều không biết hạt cau già, cau khô được thu mua với số lượng lớn để làm gì!
Còn nhớ, cách nay chừng 6 - 7 năm, thị trường cau trái ở An Lão đã từng có một thời sôi động, lôi cuốn sự tham gia của không chỉ người trồng mà cả người mua, bán, chế biến xuất khẩu. Thời điểm đó, cau non, cau tươi được mua ồ ạt, sơ chế tại chỗ và bán sang Trung Quốc, Thái Lan để làm kẹo cau. Nhưng rồi cây cau An Lão “chết đứng”, khi những “bạn hàng lớn” này không mua nữa, khiến cho các đại lý thu gom ôm hàng tấn cau khóc ròng. Hiện nay tại An Lão, cau già, lá trầu rừng bỗng nhiên lên cơn sốt. Phải chăng “bổn cũ soạn lại” với cây cau An Lão một lần nữa? Bài học đắt giá nhãn tiền về cây cau - cây từng được mệnh danh là cây triển vọng xóa đói giảm nghèo của huyện vẫn chưa cũ. Vậy nên, tình trạng tiểu thương đổ xô lùng mua cau hạt, lá trầu rừng tại huyện An Lão rất cần được chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan quan tâm, theo dõi, để có những định hướng kịp thời, đúng đắn cho người dân.
SAO LY