Phát hiện các loại khí thải mới gây hại cho tầng ozone
Lần đầu tiên từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 4 loại khí thải mới gây hại cho tầng ozone bảo vệ Trái Đất.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu và Australia được đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience hôm 9.3. Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã lấy mẫu không khí ở đảo Tasmania, Australia và mẫu tuyết ở Greenland trong thời gian từ năm 1978-2012. Sau khi phân tích, các nhà khoa học đã phát hiện 4 loại khí thải mới mà trước đó chưa từng có trong bầu khí quyển Trái Đất cho đến những năm 1960. Đó là 3 loại khí thải thuộc nhóm chlorofluorocarbons (CFCs) và một loại thuộc nhóm hydrochlorofluorocarbon (HCFC). Tính tới năm 2012, lượng 4 loại khí thải này tích tụ trong khí quyển là khoảng 74.000 tấn. CFCs là một nhóm hóa chất thường được tìm thấy trong khí thải của máy điều hòa, tủ lạnh và thuốc trừ sâu. HCFC là một phần của nhóm hợp chất được sử dụng để thay thế cho nhóm CFCs (gây hại nhiều cho tầng ozone), nhưng cũng đang giảm sử dụng. Tuy chưa phát hiện được nguồn thải ra 4 loại khí trên, nhưng các nhà khoa học cho rằng nhiều khả năng đều do con người. Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện được 7 loại hợp chất của CRC và 6 loại hợp chất HCFC gây hại cho tầng ozone. Giáo sư Martyn Chipperfield từ Đại học Leeds của Anh - thành viên nhóm nghiên cứu - cho rằng tuy mật độ của 4 loại khí trên trong khí quyển hiện chưa đe dọa đến tầng ozone, nhưng cũng cần điều tra nguyên nhân của hiện tượng này. Trưởng nhóm nghiên cứu, Johannes Laube, thuộc Đại học East Anglia (Anh), khẳng định phát hiện này có thể thúc đẩy siết chặt những quy định trong Nghị định thư Montreal liên quan đến kiểm soát khí thải độc hại. CFCs là nguyên nhân chính gây ra lỗ thủng của tầng ozone ở Nam cực. Đây là loại hợp chất hữu cơ do con người tạo ra, bao gồm carbon, chlorine và fluorine. CFCs đã được giảm sử dụng từ năm 1989 và cấm hẳn vào năm 2010 theo Nghị định thư Montreal năm 1987 của Liên hợp quốc về chống khí thải gây độc hại. Tầng ozone được cấu tạo từ phân tử oxy với 3 nguyên tử (O3), được dàn mỏng trong bầu khí quyển. Lớp ozone có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc sống của con người, giúp lọc tia cực tím, vốn là nguyên nhân phá hủy hệ thực vật, gây thư da và bệnh đục nhân mắt. Theo ông Laube, những loại khí trên gây nên hiệu ứng nhà kính đáng kể dù khối lượng không nhiều. CFCs có thể giữ sức nóng của Mặt Trời trong bầu khí quyển cao gấp hàng nghìn lần so với chất carbon dioxide (CO). Chính vì vậy, chúng là nguyên nhân gây nên tình trạng biến đổi khí hậu.
. Theo TTXVN