Ngày hội “Help - Portrait tại Bình Định”
Ngày 9.3, kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) trong tỉnh cùng một số bạn trẻ yêu thích môn nghệ thuật này đã tham gia hoạt động chụp ảnh miễn phí tặng người già neo đơn, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Đây là dịp để NSNA Bình Định thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình yêu đối với đời sống xã hội và môn nghệ thuật mà mình đeo đuổi.
1.
Sáng 9.3, tại hội trường Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, rất đông người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ mồ côi háo hức chờ được chụp ảnh. Những bộ quần áo mà họ chọn mặc hôm ấy cũng mới hơn, được chăm chút thẳng thớm hơn. Như đã quen với sự chăm sóc ân cần, trìu mến nhận được mỗi ngày, những mái đầu bạc, những mái đầu xanh thơ trẻ thoải mái ngồi yên để các cán bộ, nhân viên Trung tâm chải tóc, sửa lại chiếc khăn quàng cổ, cổ áo cho ngay ngắn… Cụ Lê Thị Sử (87 tuổi, ở Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) mới được chuyển đến Trung tâm 3 tháng nay, “khoe” với mấy bạn già bên cạnh: “Lần gần đây nhứt tui được chụp hình là tận năm tui 40 tuổi, chụp để làm chứng minh thư, sau đó cũng rửa lớn 1 tấm để sau này thờ, nhưng rồi nhà bị ngập lụt, hình trôi đi mất. Nay ở tuổi gần đất xa trời rồi, chắc là lần cuối được chụp ảnh, tui lấy bộ bà ba mới nhất ra mặc để chụp cho đẹp”. Cụ Sử có hai con, đủ cả nếp lẫn tẻ, nhưng cả hai đều sớm bỏ cụ đi vì bệnh tật. Tuổi già càng thêm đơn chiếc khi chồng cũng “đi” trước. Sau 3 lần giỗ chồng, cụ Sử chuyển vào Trung tâm nương nhờ phần đời còn lại.
Có khoảng 100 đối tượng của Trung tâm được chụp ảnh trong sáng 9.3. Trung bình mỗi người được chụp 5 bức ảnh, gồm ảnh chân dung, ảnh trung cảnh, toàn cảnh… 25 tay máy, ai cũng tranh thủ, nhiệt tình tìm góc máy và bấm liên tục để tìm những tấm ảnh đẹp nhất. Tiếng đàn organ ngân vang dưới bàn tay gầy guộc của những đứa trẻ tàn tật bẩm sinh hay nét trầm tư vương trong đôi mắt u buồn của những cụ già không nơi nương tựa… là những hình ảnh không thể quên cho những người tham gia Ngày hội chụp ảnh vì cộng đồng năm nay.
2.
Năm nay là năm thứ 4 liên tiếp giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tỉnh duy trì tổ chức Ngày hội chụp ảnh vì cộng đồng. Năm thứ 1 (năm 2011), Ngày hội diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, đối tượng được chụp ảnh là mọi người dân hưởng ứng hoạt động này. Từ năm 2012, chương trình đi vào chiều sâu, hướng đến những đối tượng đặc biệt hơn trong xã hội. Đó là những thân phận kém may mắn đang sinh sống trong những mái ấm đặc biệt: Làng phong Quy Hòa (năm 2012), Làng trẻ em SOS (năm 2013)…
Gặp nhau ở tinh thần phục vụ, Ngày hội chụp ảnh vì cộng đồng tại Bình Định mang dáng dấp của sự kiện Help - Portrait, ngày hội chụp ảnh chân dung cho mọi người, được tổ chức quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong vài năm gần đây. Mỗi năm, Help - Portrait thu hút sự tham gia của cả ngàn nhà nhiếp ảnh trong, ngoài nước và tình nguyện viên trẻ, mang đến hàng ngàn bức ảnh cũng như lan tỏa hơi ấm tình người đến những số phận kém may mắn trong đời. Trong phạm vi của mình, “Help - Portrait tại Bình Định” đã thu hút sự hưởng ứng nồng nhiệt của những bạn trẻ yêu nhiếp ảnh.
“Tôi làm nghề chụp ảnh dịch vụ ở TP Hồ Chí Minh, biết thông tin về ngày hội chụp ảnh năm nay và đăng ký tham gia. Thật vui và bất ngờ khi biết tại tỉnh mình cũng có một chương trình “Help- Portrait mini” rất thiết thực và nhân văn. Có đi, tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, mới càng thấy cuộc sống thật đáng quý và tự nhủ bản thân phải sống tốt, sống ý nghĩa và nhân ái hơn nữa”, tay máy trẻ Dương Thanh Huy, quê ở Đập Đá, thị xã An Nhơn, chia sẻ.
3.
“Chúng tôi hy vọng có những bức ảnh đặc sắc nhất và mong muốn sớm được trưng bày, giới thiệu cùng công chúng thị xã An Nhơn về kết quả thực tế sáng tác hôm nay”
NSNA ĐÀO TIẾN ĐẠT - Chi hội trưởng Hội NSNA Việt Nam tại Bình Định
Buổi chiều cùng ngày, đoàn nhiếp ảnh đã tổ chức sáng tác tại một số địa điểm phong cảnh đẹp, di tích nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn. Tại ngôi chùa cổ Thập Tháp và thành Hoàng Đế, những “tín đồ của nhiếp ảnh” say mê bấm máy. Sự hỗ trợ đắc lực của mấy chiếc xe ngựa, nhóm nữ sinh trung học đội nón lá và tà áo dài tha thướt… càng làm cho khung cảnh “đất Vua” trở nên lung linh, cổ xưa. Hào hứng với thành quả lao động nghệ thuật trọn 1 ngày, không đợi xử lý hậu kỳ, ngay trong đêm 9.3 và sáng hôm sau, nhiều bức ảnh được thực hiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng như tại “đất Vua” đã xuất hiện tràn ngập trên facebook của một số thành viên trong đoàn. Bởi, ai cũng muốn chia sẻ cảm xúc nóng hổi của mình về chuyến đi ý nghĩa ấy.
Cũng từ buổi chụp ảnh từ thiện này, các tay máy mang đến cho người được chụp ảnh không chỉ đơn giản là những bức ảnh chân dung, ảnh đời thường để lưu niệm; mà còn thu về những bức ảnh nghệ thuật mang đậm tính nhân văn và hơn hết là khơi thêm nguồn sáng tạo. Như trường hợp của Dương Thanh Huy, ý tưởng về bộ ảnh “Phận” hình thành khi anh đối diện với những phận người bất hạnh nơi đây và xúc động bấm máy. Nghệ thuật bắt rễ và thăng hoa từ cuộc sống, quy luật này của sáng tạo muôn đời vẫn đúng. “Trước chuyến đi và cả trên đường đi, tôi không nghĩ sẽ thực hiện chùm ảnh hay bộ ảnh về một đề tài nào, đây hoàn toàn là kết quả từ sự rung cảm trước con người và đời sống. Vì vậy, tôi càng thấy hoạt động chụp ảnh từ thiện vừa rồi có ý nghĩa với bản thân mình. Bước đầu tôi đã chọn được 12 bức vào bộ ảnh này”, Dương Thanh Huy cho biết.
SAO LY-HOA KHÁ