Sẵn sàng ứng phó với cúm A
Mặc dù ngành NN&PTNT khẳng định đã kiểm soát được các ổ dịch cúm gia cầm, nhưng không vì thế mà ngành Y tế chủ quan trong công tác phòng, chống dịch cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9). Các biện pháp ứng phó với nguy cơ cúm A lây sang người tiếp tục được duy trì.
Chủ động ngăn ngừa
Trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, tại xóm 1, thôn Đệ Đức 1, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn có gần 2.000 con vịt của 2 hộ dân bị chết. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy số vịt này đã bị nhiễm cúm A (H5N1). Tiếp đó, ngày 20.2, tại thôn Tấn Thạnh 1, xã Hoài Hảo, cũng có gần 400 con vịt trong đàn 1.200 con của một hộ dân bị chết do cúm A (H5N1).
Trước tình hình đó, cơ quan thú y địa phương đã tiến hành giám sát, hướng dẫn hộ chăn nuôi tiêu hủy gia cầm nghi mắc dịch cúm và phun thuốc tiêu độc khử trùng cho các ổ dịch gia cầm trên. Sau đó, Đội Y tế dự phòng huyện Hoài Nhơn đã xử lý hóa chất vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình tại ổ dịch cúm gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn cách ly, theo dõi đàn gia cầm còn lại của các hộ chăn nuôi.
Bác sĩ Trương Đề, Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trong tình huống chưa xuất hiện bệnh cúm A ở người, chúng tôi vẫn tăng cường hoạt động của tổ chống dịch lưu động, duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp để khống chế dịch. Ngoài các trạm kiểm soát trên quốc lộ 1A, chúng tôi còn đề xuất lập điểm chốt chặn tại thôn Trường Xuân, xã Tam Quan Bắc - nơi có đường qua lại với tỉnh Quảng Ngãi”.
Trong khi đó, theo nhận định của Giám đốc TTYT huyện Tây Sơn Huỳnh Bá Thịnh, nguy cơ xảy ra dịch cúm A (H5N1) ở người tại Tây Sơn là rất lớn nếu không tích cực chủ động phòng ngừa, bởi dịch đã xảy ra ở một số đàn gia cầm trên địa bàn. “Hiện nay, chúng tôi đang tích cực triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; chú trọng nâng cao kỹ năng giám sát bệnh cúm, hoàn thiện dần kỹ năng phát hiện, báo cáo, xử lý dịch cho tuyến cơ sở. Hoạt động giám sát được thực hiện tốt sẽ đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh để cách ly và điều trị kịp thời”, bác sĩ Thịnh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh, hầu hết người mắc cúm A đều bị viêm phổi, suy hô hấp nặng. Vì thế, tất cả bệnh nhân viêm phổi nặng có nghi ngờ liên quan đến cúm A tại BVĐK tỉnh đều được lấy mẫu bệnh phẩm (dịch mũi họng) gửi vào Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm. Đến nay, các mẫu bệnh phẩm đều cho kết quả âm tính với vi-rút cúm A. “Ngoài việc ngăn ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng, việc phát hiện sớm còn giúp bệnh nhân được tiếp cận sớm với thuốc kháng vi-rút cúm A, tăng hiệu quả điều trị”, bác sĩ Oanh nhận định.
Sẵn sàng cấp cứu, điều trị
Tất cả bệnh nhân viêm phổi nặng có nghi ngờ liên quan đến cúm A tại BVĐK tỉnh đều được lấy mẫu bệnh phẩm (dịch mũi họng) gửi vào Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm
Bác sĩ NGUYỄN THỊ THU OANH, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh
Song song với các hoạt động phòng ngừa, các cơ sở y tế trong tỉnh cũng tích cực chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất - dịch cúm A xuất hiện ở người. Bác sĩ Dương Thành Tứ, phụ trách khoa Nội - Nhi - Lây, TTYT huyện Hoài Nhơn, cho hay trong số 16 cán bộ nhân viên của khoa có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm. Đây là lực lượng nòng cốt trong hoạt động điều trị khi xảy ra dịch cúm A ở người.
“TTYT huyện Hoài Nhơn có cổng sau nằm ngay cạnh khu vực cách ly, thuận tiện cho việc vận chuyển bệnh nhân. Trung tâm đã bố trí 2 phòng với 8 giường bệnh dành riêng cho bệnh nhân cúm và 1 phòng đệm để cách ly. Toàn Trung tâm có 15 bộ đồ bảo hộ chuyên dụng; được cấp 50 viên tamiflu, phân bổ cho khoa Nội - Nhi - Lây 20 viên, khoa Dược 20 viên, khoa Khám - Cấp cứu 10 viên”, bác sĩ Tứ cho biết thêm.
Trong khi đó, tại đơn vị điều trị các bệnh truyền nhiễm tuyến cuối của tỉnh là BVĐK tỉnh, cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất cũng đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh cho hay: “Đợt điều trị cúm A (H1N1) năm 2009 cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý trong ứng phó với các bệnh dịch cúm lần này. Khu cách ly là toàn bộ phòng bệnh ở tầng 1 của khoa Truyền nhiễm, trường hợp xảy ra dịch thì toàn bộ giường bệnh được dành cho bệnh nhân mắc bệnh cúm, những bệnh nhân khác sẽ được dồn qua các khoa thuộc hệ Nội”.
Việc cập nhật thông tin, tập huấn lại phác đồ điều trị, cấp cứu bệnh cúm cũng được tổ chức cho 34 cán bộ, nhân viên của khoa Truyền nhiễm. Quy trình chẩn đoán và xử trí cúm A được dán nhiều nơi trong khoa. Khoa Truyền nhiễm cũng lập kế hoạch phối hợp với khoa Phòng chống nhiễm khuẩn xử lý chống khuẩn khi xảy ra dịch. Bệnh viện dự trữ 500 viên tamiflu ở khoa Dược, riêng khoa Truyền nhiễm có 10 viên…
NGUYỄN VĂN TRANG