“Hậu” xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh:
Cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị
Để lập hồ sơ khoa học xếp hạng một di tích tốn rất nhiều công sức. Tuy nhiên, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh sau khi được xếp hạng chưa nhận được sự quan tâm tương xứng từ phía địa phương để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị.
Tốn nhiều công sức
Theo quy định của Bộ VH-TT&DL, hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Trước tiên, phải có đơn đề nghị xếp hạng di tích của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, đề nghị xếp hạng theo thẩm quyền.
Nhờ thực hiện tốt việc lập hồ sơ khoa học di tích đã giúp Đền thờ Tăng Bạt Hổ được công nhận di tích cấp quốc gia năm 2013. Ảnh: Văn Lưu
Bước tiếp theo là tiến hành lập lí lịch di tích, bản đồ vị trí và đường chỉ dẫn đến di tích; bản vẽ kỹ thuật về di tích, tập ảnh màu khảo tả và hiện vật thuộc di tích, bản thống kê hiện vật thuộc di tích; bản dập, dịch văn bia, câu đối, đại tự và các tài liệu Hán Nôm hoặc tài liệu bằng các ngôn ngữ khác có ở di tích; biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích. Cuối cùng, Giám đốc Sở VH,TT&DL lập tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia.
Từ đầu năm 2013 trở về trước, việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thực hiện. Gần một năm qua, việc lập hồ sơ di tích được chuyển giao cho Ban Quản lý Di tích tỉnh. Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh, cho biết: “Việc triển khai lập hồ sơ di tích còn nhiều trở ngại. Khó khăn nhất chính là việc đi sưu tầm tư liệu cho di tích lịch sử khi hình ảnh, tư liệu, nhân chứng sống đã mất đi”. Dù nhiều khó khăn như vậy nhưng các cán bộ của Ban Quản lý Di tích tỉnh đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, điển hình là việc lập hồ sơ Mộ danh nhân Lê Đại Cang, nâng cấp hồ sơ Đền thờ Tăng Bạt Hổ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia; lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng các di tích vụ thảm sát làng Đá Bàn, chiến thắng ở gộp đá An Quang, địa điểm Đài Phát thanh Nam Trung bộ, địa điểm Trường Quân chính Quân khu 5, vụ thảm sát Giếng Đồn, địa điểm in bạc tín phiếu Liên khu V.
“Cán bộ tham gia lập hồ sơ di tích phải đi nhiều, đọc nhiều, viết tốt thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Để lập hồ sơ nhiều di tích ở An Lão trong năm vừa qua, phòng chúng tôi chia nhiều nhóm đi điền dã nhiều ngày để thu thập tư liệu ở các thôn, làng đồng bào dân tộc. Mất nhiều công sức nhất là đi đến địa điểm làng Đá Bàn nằm sâu ở một thung lũng có địa thế hiểm trở. Sau khi xảy ra thảm sát, một số ít người sống sót đã chuyển đi nơi khác nên làng Đá Bàn cũng xóa sổ luôn. Phải lặn lội đi tìm nhiều nơi mới gặp được hai nhân chứng người đồng bào dân tộc ở làng Đá Bàn trước đây”, ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Phòng Nghiệp vụ của Ban Quản lí di tích tỉnh, tâm sự.
Đừng chạy theo “phong trào”
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 114 di tích đã được xếp hạng, gồm 36 di tích cấp quốc gia và 78 di tích cấp tỉnh. Theo kế hoạch năm 2014 của Sở VH-TT&DL, Ban Quản lý di tích tỉnh sẽ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 5 di tích: lăng ông Nam Hải ở xã Nhơn Lý (Quy Nhơn), vụ thảm sát Gò An Lá, vụ thảm sát thôn Hưng Trị (Phù Cát), cầu Mục Thịnh (Vân Canh), chợ Gò Chàm (An Nhơn). Ngoài ra, một số huyện trong tỉnh cũng đã có đơn đề nghị xếp hạng một số di tích ở địa phương. Có thể thấy số lượng di tích được công nhận trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều hơn, nhưng “chất lượng” của các di tích sau khi được xếp hạng là vấn đề cần quan tâm.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhìn nhận: “Nhiều năm tham gia lập hồ sơ khoa học cho phần lớn các di tích của tỉnh đã được xếp hạng, tôi thấy hầu hết sau đó đều chưa phát huy được hiệu quả. Điều này có phần xuất phát từ việc một số địa phương chạy theo phong trào, thấy nơi khác có di tích thì mình cũng phải có, đến khi được xếp hạng rồi thì ít quan tâm. Vì vậy, nên xây dựng chiến lược rõ ràng hơn gắn với việc sau khi xếp hạng thì di tích sẽ “sống” như thế nào”.
Theo Ban Quản lý Di tích tỉnh, nhiều địa phương sau khi đề nghị xếp hạng di tích xong thì quan niệm di tích cấp tỉnh thì “để tỉnh lo”, chứ không có kế hoạch tôn tạo hay tổ chức các hoạt động gắn với di tích. Ban Quản lý Di tích tỉnh hiện chỉ có 13 cán bộ và hợp đồng thêm 10 bảo vệ ở các di tích trọng điểm trong tỉnh. Vì vậy, một mình đơn vị này khó quán xuyến hết 114 di tích trong tỉnh, nếu không có sự hỗ trợ từ phía địa phương có di tích. Ông Đặng Hữu Thọ cho rằng: “Trước khi đề nghị và sau khi đã được xếp hạng, các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm và xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với chúng tôi trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích”.
HOÀI THU