Chuyện một người nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm của người Bana ở Hoài Ân đang dần mai một, số người tâm huyết với nghề chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Một trong số rất ít người đam mê, ham thích dệt thổ cẩm là chị Đinh Thị Nhàn (25 tuổi, ở làng O6, xã Đak Mang).
Ông Đinh Hơ Nao, cha của chị Nhàn cho biết, chị Nhàn đam mê nghề dệt thổ cẩm từ lúc còn nhỏ, được mẹ chỉ dẫn nên đến 14, 15 tuổi chị đã biết dệt. Ông tự hào nói: “Hơn 10 năm nay, Nhàn là niềm tự hào của gia đình, của xã, của huyện, liên tục tham gia thi dệt vải thổ cẩm trong các dịp lễ hội văn hóa - thể thao miền núi do huyện và tỉnh tổ chức, lần nào cháu cũng có giải cao”.
Tâm sự với tôi, Nhàn bộc bạch: “Dệt thổ cẩm không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, nếu không có sự đam mê ham thích thì không làm được. Khó nhất ở chỗ tạo hoa văn. Dù rằng hoa văn trên tấm vải thổ cẩm của người Bana không cầu kỳ nhưng không theo một bản vẽ cố định nào mà được hình thành từ trí nhớ và sự tưởng tượng trong đầu của người dệt”.
Tấm vải làm ra có hoa văn sắc sảo, đẹp là nhờ sự cẩn thận, khéo léo của người dệt. Dệt hoàn thành 1 tấm thổ cẩm để may bộ váy áo bằng sợi chỉ truyền thống mất 10 đến 15 ngày, bán với giá trên 600 ngàn đồng; còn nếu dùng sợi tổng hợp mua từ dưới xuôi lên có giá khoảng 400 ngàn đồng. “Tiền bán vải, sau khi trừ chi phí thì lời chẳng đáng là bao. Nhưng em lại thích dệt. Nay em “bắt chồng” rồi, bận bịu con cái nhưng hễ rảnh là lại kéo khung dệt ra dệt”, chị Nhàn nói.
Hiện nay, do vải vóc, quần áo may sẵn từ dưới xuôi mang lên nhiều, lại rẻ, tiện lợi nên những em gái trong làng lớn lên không muốn học dệt vải; một số bạn đồng lứa với Nhàn cũng biết dệt nhưng không thạo nghề nên bỏ luôn. Nhưng Nhàn nghĩ, dệt thổ cẩm không chỉ là thói quen, mà còn để giữ nghề, làm gương cho các em gái trong làng thấy và hiểu hơn câu nói “Con gái Bana phải biết dệt vải” mà các mí, các yá thường bảo. Hơn nữa, dệt ra tấm vải thổ cẩm để may áo quần mặc trong các dịp lễ hội là phù hợp với văn hóa của người Bana”.
Có một người trẻ đam mê, thạo nghề dệt và tâm huyết nối nghề như Đinh Thị Nhàn rất đáng trân trọng. Mí Đường ở làng O6, xã Đak Mang cho biết: “Nhàn là cô gái thông minh, sáng dạ, rất đam mê nghề dệt thổ cẩm. Tôi tin tưởng Nhàn sẽ là cầu nối giữa thế hệ chúng tôi với lớp trẻ sau này trong việc giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.
Trong nhiều năm qua, các cấp, các ngành đã quan tâm, khuyến khích chị em phụ nữ Bana phát huy nghề dệt thổ cẩm. Trong những ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc miền núi của huyện, của tỉnh đều đưa nội dung thi tài dệt vải, khuyến khích lứa tuổi trẻ tham gia. Tuy nhiên, những hoạt động đó mới tác động đến việc “níu” nghề, chứ muốn giữ nghề, truyền nghề thì phải mở lớp dạy nghề. Chị Nhàn đề xuất “cần đưa nội dung dạy dệt thổ cẩm vào trong trường nội trú huyện”. Còn ông Đinh Hơ nao mong ước: “Vào những dịp lễ, Tết, thấy bọn trẻ xúng xính trong bộ đồ thổ cẩm, đeo vòng bạc điệu đà, uyển chuyển trong vòng xoang Bana là mình thấy ưng cái bụng”.
VÕ CHÍ HÀ