Hội Nông dân xã Tây Thuận:
Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Tây Thuận - huyện Tây Sơn đã tập trung củng cố tổ chức các chi, tổ hội, kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, tăng cường các hoạt động và dịch vụ giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế có hiệu quả…
Nuôi bò vỗ béo ở Tây Thuận. Ảnh: Đào Minh Trung
Tuy là xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Thuận vẫn có các điều kiện thuận lợi và tiềm năng để phát triển kinh tế, như có quốc lộ 19 và tỉnh lộ 637 chạy qua tạo điều kiện phát triển giao thương hàng hóa; sông Côn chảy qua địa bàn xã cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, thổ nhưỡng thích hợp với cây mía, cây mì, có đồi núi và đồng cỏ rộng để phát triển đàn gia súc; cụm công nghiệp cầu 16 trên địa bàn xã đã đi vào hoạt động, tạo việc làm tại chỗ…
Phát huy những lợi thế ấy, Hội Nông dân xã Tây Thuận đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, HTXNN mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức KHKT trồng trọt và chăn nuôi cho HVND. Đồng thời, thông qua công tác vận động hàng năm đã tạo ra một vùng nguyên liệu mía cho nhà máy đường với diện tích hơn 400ha, vùng nguyên liệu mì 725ha và vùng nguyên liệu cây thuốc lá 70ha. Cây mía, cây mì và cây thuốc lá là thế mạnh của nông dân Tây Thuận, nhiều HVND trồng các loại cây nguyên liệu này có lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhờ có Liên minh sản xuất bò lai ở địa phương phối hợp với Hội Nông dân hỗ trợ, người chăn nuôi trong xã đã cải tạo đàn bò địa phương, phát triển đàn bò lai Sind 2.968 con và cung cấp hàng chục cặp bò chất lượng cao cho chương trình “Lục lạc Vàng”. Gần đây, đã có 20 hộ nuôi bò trong xã được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến phụ phẩm nông nghiệp để nuôi vỗ béo bò; mô hình đang tiến triển tốt, có triển vọng từ mỗi con bò vỗ béo sẽ sinh lời 5 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn giúp 10 hộ vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân, mỗi hộ 30 triệu đồng trong 3 năm để thực hiện Dự án nuôi bò sinh sản. Một nguồn lực hỗ trợ không nhỏ của Hội là đã giúp 286 hộ HVND vay 6,1 tỉ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó người vay vốn đã trồng 387 ha rừng theo Dự án WB3. Đến nay, rừng cây nguyên liệu giấy này đang trong thời kỳ khai thác, trừ chi phí mỗi hộ trồng rừng còn có thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng tùy diện tích rừng trồng.
Đi đôi với hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Tây Thuận còn quan tâm, chăm lo đời sống của HVND. Hội đã chủ động thành lập 1 CLB trợ giúp pháp lý để hướng dẫn nông dân tuân thủ pháp luật, đồng thời thành lập 23/23 tổ hòa giải ở 23 xóm, khắp các địa bàn, đặc biệt là chú trọng ở những nơi có nguy cơ xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự. Qua đó, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND xã, tổ chức hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, và xử lý hài hòa công tác bồi thường, tái định cư trong các vụ việc tranh chấp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các công trình xây dựng trên địa bàn, giúp bảo đảm an ninh trật tự, ổn định cuộc sống bình yên để HVND tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
ĐÀO MINH TRUNG