Tôn vinh chiếc nón quê mình
Làm nón là một trong những nghề thủ công truyền thống nổi bật của quê hương Bình Định. Sản phẩm nón ở mỗi làng nghề trong tỉnh đều ẩn chứa nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, thể hiện sự cần cù, khéo léo, sáng tạo của người lao động. Chiếc nón quê mình vì vậy cần được bảo tồn, quảng bá, tôn vinh hơn nữa.
Tự hào nón lá
Đại diện tiêu biểu nhất cho vẻ đẹp, sự tinh xảo của nón lá Bình Định chính là những chiếc nón ngựa được làm ra bởi các nghệ nhân ở làng nón Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Nghệ nhân Đỗ Văn Lan (68 tuổi) ở làng nón ngựa Phú Gia, tâm sự: “Làm chiếc nón ngựa phải trải qua hàng chục công đoạn thủ công rất tỉ mỉ, nên thường người mới học nghề phải mất 2-3 năm mới làm được. Nón ngựa chinh phục khách hàng xưa nay không chỉ đẹp mà còn rất bền. Tôi vẫn còn giữ chiếc nón ba tôi làm cho mẹ, đội 50 năm vẫn chưa hư”. Một số nghệ nhân cao tuổi ở làng Phú Gia vẫn còn nguyên sự xúc động, tự hào khi kể về câu chuyện cách đây khoảng 50 năm, có một đoàn chuyên gia Hoa Kì đến đề nghị tập hợp các nghệ nhân giỏi của làng lại cùng làm nón để họ quay phim, chụp hình các công đoạn và đem sản phẩm nón ngựa về nghiên cứu sản xuất công nghiệp. “Mấy tháng sau đoàn chuyên gia Hoa Kì này quay trở lại và chở theo một xe nón nhựa tặng cho dân làng. Họ thừa nhận thua các nghệ nhân Bình Định, vì không thể nào bắt chước được những công đoạn làm nón thủ công của chúng tôi để áp dụng sản xuất trên máy”, nghệ nhân Trần Thị Khéo (80 tuổi) nhớ lại.
“Chiếc nón Gò Găng là niềm tự hào của người dân Bình Định. Nghề làm nón đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà tỉnh nhà cần gìn giữ và phát huy” (Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc phát biểu trong một phóng sự truyền hình về làng nón Bình Định)
Góp phần quan trọng tạo nên những sắc màu đẹp lung linh trong văn hóa làm nón xứ Nẫu chính là chợ nón Gò Găng (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn), ngôi chợ đã đồng hành cùng bao thăng trầm, buồn vui của người làm nón ở Bình Định qua hàng thế kỉ. Bao thế hệ người dân đã tiếp nối gìn giữ cách thức họp chợ độc đáo trong ánh đèn dầu vào thời điểm sáng sớm hằng ngày, góp phần đưa chợ nón Gò Găng xuất hiện trên “Google” với hàng trăm ngàn thông tin giới thiệu, ca ngợi. Chợ nón Gò Găng được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam- Vietkings xếp vào “100 phiên chợ độc đáo ở Việt Nam” dựa trên thông tin từ Sở VH-TT&DL, trung tâm xúc tiến du lịch, các công ty du lịch ở các tỉnh, thành; các website về du lịch trong và ngoài nước. Chợ nón Gò Găng cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều văn nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Trong đó, NSNA Đào Tiến Đạt đã có những tác phẩm về chợ nón Gò Găng, nghề làm nón ở quê hương Bình Định đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Cần bảo tồn và phát huy
Chợ nón Gò Găng được lịch sử bồi đắp từ nơi mua bán trở thành điểm bảo tồn di sản góp phần gìn giữ, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng lại đang trong tình trạng mai một. NSNA Đào Tiến Đạt cho biết: “Đầu năm nay, tôi nhận lời tham gia cùng đoàn VTV Phú Yên làm phim phóng sự về làng nón Gò Găng. Khi tìm đến chợ, mọi người trong đoàn ai cũng thấy buồn xen lẫn thất vọng khi hôm đó chỉ lèo tèo 2 người bán và 4 người mua. Nếu không quan tâm bảo tồn kịp thời, có thể mai mốt chỉ còn thấy chợ nón trên phim, ảnh”.
Sự vắng bóng dần người đến mua bán cũng là trăn trở của rất nhiều người đã trải nghiệm và trân trọng những giá trị của chợ nón Gò Găng. Bà Trà Thị Thuận (60 tuổi), người dân thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tâm sự: “Tôi buôn bán ở chợ nón Gò Găng gần 50 năm qua. Ngày xưa, người đến mua bán đông nghẹt từ ngoài đường cái đến tận cổng chợ. Người bán hai tay phải cầm chồng nón đưa lên trên đầu vì sợ chen lấn bẹp nón. Hiện nay, chợ ngày càng ít người dần, khi vào mùa thì thương lái đến tận nhà mua, nhưng tui nghĩ chợ nón sẽ không bao giờ mất vì gắn với truyền thống ông bà để lại”.
Ngoài những giá trị sử dụng thiết thực, chiếc nón lá còn được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá chứa đựng “giá trị di sản” cần được bảo tồn và phát huy. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề ở các làng nghề làm nón của tỉnh những năm qua, cần có thêm những hoạt động quảng bá, tôn vinh nghề làm nón hiệu quả hơn. Trước mắt, cần quan tâm bảo tồn chợ nón Gò Găng gắn với khai thác phục vụ phát triển du lịch. Từ đó, có sự đầu tư sắp xếp không gian chợ nón Gò Găng một cách bài bản; tổ chức thêm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phụ trợ hài hòa với “nền tảng truyền thống” của chợ để lôi cuốn khách du lịch, tạo nguồn thu kinh tế thì lượng người về buôn bán sẽ từng bước ổn định và đông trở lại. Xa hơn, cần có sự phối hợp nhiều hơn giữa Sở Công Thương, Sở VH-TT&DL và chính quyền các địa phương để tạo ra sự kiện có quy mô, quảng bá một cách sinh động cho chiếc nón quê mình.
Hoài Thu