Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3
Trao yêu thương sẽ được nhận lại yêu thương
Ông Nguyễn Văn Minh
Ngày Quốc tế Hạnh phúc mà Việt Nam đã ký cam kết hưởng ứng cùng với trên 190 quốc gia trên thế giới sẽ là ngày của sự nhận thức tích cực và những hành động thiết thực, ý nghĩa, để mang lại hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng. Phóng viên báo Bình Định đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Phó ban chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh về ngày kỷ niệm còn mới mẻ này.
* Xin ông cho biết về sự ra đời, ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc và hưởng ứng của Việt Nam?
- Tháng 6.2012, Liên Hợp Quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 20.3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, nhằm gia tăng nhận thức của dư luận thế giới trong việc công nhận hạnh phúc là một trong những chỉ tiêu phát triển toàn cầu. Ngày Quốc tế Hạnh phúc bắt nguồn từ ý tưởng và đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Nam Á, phía Đông dãy Himalaya. Bhutan vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Ngày 20.3 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm. Khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài của ngày và đêm trong ngày 20.3 bằng nhau, đây được xem là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Vì vậy, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3 truyền tải thông điệp: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Hạnh phúc là nhu cầu, mong muốn, giá trị sống quan trọng của đời sống con người trên khắp hành tinh. Với Việt Nam, đây còn là tôn chỉ quốc gia. Cụm từ 6 chữ bình dị mà thiêng liêng: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc luôn xuất hiện cùng Quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chính là khát vọng lớn lao của dân tộc. Đến nay, Việt Nam là một trong 193 quốc gia thành viên cam kết ủng hộ mạnh mẽ Ngày Quốc tế Hạnh phúc và năm 2014 là năm đầu tiên nước ta chính thức tổ chức các hoạt động nhân ngày này.
Nâng cao nhận thức và hành động tích cực vì hạnh phúc cho mỗi người không phải là điều quá lý tưởng hay xa vời.
- Trong ảnh: Thanh niên tình nguyện khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào dân tộc huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: văn lưu
* Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc, có những hoạt động trọng tâm nào được tổ chức trong cả nước, đặc biệt tại Bình Định, thưa ông?
- Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3 hằng năm”. Mục tiêu Đề án nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam.
Trên cơ sở Đề án, hoạt động trọng tâm nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan, cổ động về Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Nội dung tuyên truyền xoay quanh: nêu gương người tốt, việc tốt; các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho gia đình, cộng đồng. Hình thức tuyên truyền là thông qua các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề trên báo hình, báo in, báo nói, báo điện tử; tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, cuộc thi, hội thi, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…
Xây dựng gia đình hạnh phúc là tiền đề quan trọng tạo ra cộng đồng hạnh phúc, xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc.
- Trong ảnh: Tuyên dương một số gia đình văn hóa tiêu biểu trong tỉnh.
Tại Bình Định, ngày 20.3, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức tọa đàm về chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, với sự tham gia của các gia đình văn hóa tiêu biểu cùng đại diện các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, đại diện ngành văn hóa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh… Buổi tọa đàm là dịp để các gia đình, ban, ngành liên quan cùng bàn về hạnh phúc nói chung, bao gồm hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc dòng họ, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc trong các hoạt động xã hội và những vấn đề liên quan…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cổ động trực quan được chú trọng. Ngoài phát động trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT&DL tổ chức tuyên truyền trực quan tại các trục đường chính ở Quy Nhơn từ ngày 8.3 đến 21.3.
* Đây là năm đầu tiên có khái niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng. Vậy ở góc độ cá nhân, ông hưởng ứng ngày này như thế nào? Và làm sao để Ngày Quốc tế Hạnh phúc thực sự đến với từng gia đình, cá nhân trong toàn xã hội?
- Theo tôi, hành động tạo ra niềm hạnh phúc cho chính mình, cho người khác đơn giản như dành cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm xung quanh tình cảm, sự quan tâm và sẻ chia chân thành trước mỗi niềm vui, nỗi buồn, khó khăn… “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Tôi tin “đường đi” của hạnh phúc như mũi tên hai chiều, trao yêu thương sẽ được nhận lại yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia từ những người khác. Kết quả là mọi người đều cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Vòng tròn này cứ thế lan tỏa. Cũng có thể “hưởng ứng” Ngày Quốc tế Hạnh phúc bằng việc trang bị cho bản thân quan niệm đúng đắn, tích cực về hạnh phúc, tránh ngộ nhận, nhầm lẫn hạnh phúc với những tham vọng, thú vui, ham muốn có chiều hướng lệch lạc hoặc đi quá giới hạn… Nâng cao nhận thức và hành động tích cực vì hạnh phúc cho mỗi người không phải là điều quá lý tưởng hay xa vời, nhưng để đạt được như mong muốn có lẽ cần nhiều thời gian. Những năm đầu tiên hưởng ứng, nước ta chú trọng tuyên truyền về ngày này trên diện rộng, tạo sự quan tâm, chú ý trong toàn xã hội để người dân dần thấy được ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
* Xin cảm ơn ông!
SAO LY (thực hiện)