Má và những cái phẩy tay rất nhẹ
Má xuất thân con nhà nghèo, lớn lên lấy chồng ưng con nhà nghèo, cuộc đời má tuy không nhiều biến cố nhưng cũng không ít chuyện buồn phiền. Song trong má luôn có một nguồn lạc quan gần như vô tận. Anh em chúng tôi từ nhỏ đến lớn đã quen với hình ảnh cái phẩy tay nhẹ mà đầy cương quyết của má trước những trắc trở mà má cũng như cả nhà gặp phải. Sau cái phẩy tay đó, rồi thì cái nghèo, cái khổ, cái khó, cái buồn gì má cũng chấp nhận, khắc phục, vượt qua được hết. Cách má sống và ứng phó với khó khăn là biến cái buồn, cái khó lớn thành con con và coi cái buồn, cái khổ con con như chẳng có, chẳng hề hấn gì với mình. Em trai út tôi mê truyện, phim cổ trang, kiếm hiệp, gọi cái phẩy tay của má là chiếc áo giáp sắt của người anh hùng bất khả chiến bại! Chị gái đầu tôi ôm mộng làm bác sĩ thì gọi đó là khả năng miễn dịch của người đã qua “tiêm phòng” đầy đủ! Má nghe các con “ghẹo” mình, vừa “khoái” vừa mắc cỡ vừa ngầy chúng tôi sao nghịch như quỷ sứ. Mỗi lần như thế cả nhà được trận cười vui vẻ. Hạnh phúc như bao bọc ngôi nhà nhỏ…
Nói như thế không có nghĩa má là người cạn lòng, hời hợt với những buồn vui trong cuộc sống hay “lạc quan tếu”. Mỗi cái phẩy tay đó là kết quả của sự suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc thiệt hơn của má khi đối diện với từng khó khăn, thách thức.
Trong đời mình, má hai lần bị bỏ rơi. Đó cũng là hai nỗi buồn lớn nhất đời má. Chiến tranh chia cắt, tiễn ông ngoại đi tập kết, bà ngoại dắt tay má khi ấy má mới lên 5. Hòa bình lập lại mà mãi chẳng thấy ông ngoại về, bà ngoại cặm cụi làm lụng nuôi má, má lớn khôn với ý nghĩ mình sớm mồ côi cha, phải cố gắng bằng hai bằng ba người may mắn đủ cha đủ mẹ. Phải đến khi má sắp làm sui đầu thì ông ngoại mới vượt qua mặc cảm lỗi lầm mà đưa vợ và các con riêng của ông về quê nội, nhận chị cả. Nỗi tủi thân bị bỏ rơi, bị quên lãng làm má buồn và khóc rất nhiều. Lần đầu tiên chúng tôi thấy, gần 1 tuần suy nghĩ má mới lại có thể phẩy nhẹ tay tự nhủ với chính mình. Cái phẩy tay gạt đi tất cả buồn giận, oán trách để cho tình ruột rà máu mủ, niềm hạnh phúc đoàn viên có dịp nảy nở. Chính nhờ đó mà má có thêm nhiều niềm vui mà trước đây chẳng thể nào có được, đó là có đám cháu gọi bằng cô, dì ruột, là mỗi dịp giỗ tết phía ngoại, má không còn phải sấp ngửa một mình lo toan, vì đã có các em cùng xắn tay. Lần nữa, cái phẩy tay đầy cân nhắc là khi má chấp nhận cho ba “quay đầu” sau khi ba có người phụ nữ khác bên ngoài. Phẩy tay cho qua vì ba thật sự ăn năn, vì hạnh phúc gia đình bao năm tạo dựng và quan trọng nhất, vì lòng má vẫn còn thương, vì chính má muốn tha thứ!
“Chiếc áo giáp sắt” mà một người nông dân lam lũ như má có được, một phần nhờ bản tính vui vẻ, lạc quan sẵn có, phần nữa được sinh ra từ lối suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Má khắt khe với nỗi buồn và hào phóng đón nhận niềm vui. Lòng má rất rộng. Hạnh phúc là ở cách ta cảm nhận và hoàn toàn có thể chủ động tạo ra. Nhờ má, chúng tôi học được cách gọi tên hạnh phúc.
KHẢI THƯ