Làm sao hội nhập?
Năm nay, môn ngoại ngữ đã không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà trở thành môn phụ để học sinh tùy chọn. Lý lẽ để đưa ra phương án này là chuyện dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, không đồng đều nên nếu bắt buộc thi thì học sinh ở nhiều nơi sẽ khó khăn và như thế là sẽ bị thiệt thòi. Kể ra thì cách đặt vấn đề như vậy cũng có tính hợp lý của nó, và chắc là cũng đã được ngành giáo dục cân nhắc nhiều bề khi đưa ra quyết định này. Tuy nhiên điều cần bàn ở đây là việc dạy và học với tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước ta.
Từ nhiều năm qua, chuyện dạy và học ngoại ngữ tại các trường trung học phổ thông được xem là biểu hiện cụ thể của việc thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế của đất nước trong giáo dục. Những năm gần đây, việc dạy ngoại ngữ tại các bậc học phổ thông cũng đã có những cải tiến nhất định, thậm chí đã có những đề án dạy ngoại ngữ cho trẻ lớp một, dạy bằng ngoại ngữ một số môn ở các trường chuyên, trường điểm… Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn các trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của xã hội. Đây là một xu thế tất yếu trong xu thế nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ các hoạt động giao thương, buôn bán, trao đổi đến các chương trình hợp tác quốc tế hoạt động nghiên cứu khoa học, về giáo dục đào tạo…
Có thể khẳng định, ngoại ngữ là phương tiện, là công cụ quan trọng trong hội nhập quốc tế trong một thế giới phẳng của toàn cầu hóa như hiện nay và trong tương lai. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị thật tốt từ bậc học phổ thông để tạo nền tảng năng lực ngoại ngữ vững chắc cho các bậc học cao hơn. Nếu không thì dù chúng ta có thể đào tạo ra các kỹ sư, cử nhân khoa học có trình độ chuyên môn vững nhưng hạn chế về ngoại ngữ thì cũng sẽ khó mà cạnh tranh với nhân lực của các nước khác. Câu chuyện về sự tuyển dụng của Intell mấy năm trước là dẫn chứng cụ thể về điểm yếu này của các kỹ sư tài năng của Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia về giáo dục, trong khi đa số học sinh đã qua bậc học phổ thông ở nước ta, đã có quá trình học từ 3 - 7 năm, nhưng khi cần phải giao tiếp bằng ngoại ngữ thì việc nói năng cho chuẩn, cho lưu loát lại khá là khó khăn; thậm chí nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngữ nhưng kỹ năng nghe, nói cũng rất hạn chế. Trong khi đó, nhìn ra các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Thái Lan..., thì học sinh của họ khi bước vào đại học đã có khả năng ngoại ngữ khá hoàn thiện nhờ chương trình phổ thông được dạy bằng các ngoại ngữ thông dụng trên thế giới (như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) theo chuyên ngành.
Vì vậy, chuyện đến bây giờ mà Bộ GD-ĐT xếp ngoại ngữ vào hàng môn phụ, chưa quy định ngoại ngữ là môn học chính và là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như môn toán, môn văn... thì chắc chắn vấn đề cải thiện khả năng ngoại ngữ cho học sinh Việt Nam sẽ khó mà tiến triển tốt. Bởi lẽ không thi bắt buộc thì việc đầu tư cho dạy, cho học ngoại ngữ sẽ đi xuống. Và như thế thì biết đến bao giờ mới cải thiện được năng lực ngoại ngữ của người Việt Nam. Nếu không trang bị ngoại ngữ một cách quyết liệt, mạnh mẽ ngay từ chương trình phổ thông thì vấn đề ngoại ngữ vẫn sẽ tiếp tục là trở ngại rất lớn cho quá trình hội nhập quốc tế và sự phát triển của đất nước chúng ta trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay.
Huy Đăng