Một “cú hích” và hơn thế!
Từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (thường gọi tắt là “tam nông”), vấn đề tăng cường các nguồn lực cho khu vực chiếm gần 70% dân số cả nước đã ngày càng nhiều hơn. Hàng loạt các chương trình để thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn - nông dân đã được triển khai trên thực tế và đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, có một thực tế là người nông dân nước ta sống bằng nghề nông, sản xuất ra lương thực, thực phẩm chủ yếu cho xã hội nhưng hầu như phần đông đời sống của họ không khá lên được bằng chính nghề của mình. Điều dễ nhận thấy là người nông dân ở nước ta lâu nay luôn chịu cảnh thiệt thòi vì giá cả bấp bênh, khi được mùa thì mất giá, khi được giá thì lại mất mùa (!). Câu chuyện về nông dân nơi này nơi khác phải bỏ cả vườn rau đến kỳ thu hoạch cho bò ăn hay bỏ làm phân xanh do giá quá thấp là thực tế nhói lòng về sự khó nhọc của người nông dân. Không nói đâu xa, ngay trong thời điểm này, dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng. Không chỉ các địa phương có dịch cúm, giá gia cầm rớt thê thảm mà các vùng chưa phát dịch cũng không tiêu thụ được sản phẩm.
Thời gian gần đây ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, trả lại ruộng đất, rời bỏ sản xuất nông nghiệp để ra thành phố tìm việc làm là một xu hướng đáng lo ngại. Có tình trạng này là vì hiệu quả sản xuất nông nghiệp quá thấp, dẫn đến đời sống nông dân khó khăn.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất với Chính phủ một chương trình mới hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo đó, ngân hàng sẽ dành hàng trăm ngàn tỉ đồng cho chương trình tín dụng thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với 3 trọng tâm lớn là phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp và phục vụ xuất khẩu nông thủy sản. Đề xuất này trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai thực hiện.
Mặc dù chưa có những thông tin cụ thể hơn về chương trình tín dụng mới này, nhưng có thể nói đây là sự hỗ trợ hết sức thiết thực đối với nông dân, là một “cú hích” quan trọng để thực hiện Nghị quyết về “tam nông” có hiệu quả tích cực hơn. Việc có thêm hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo động lực mới để sản xuất nông nghiệp chủ động hơn, tăng thêm sức cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, việc tăng cường nguồn vốn đầu tư là cần thiết nhưng chưa đủ. Câu chuyện “được mùa mất giá” lâu nay thường xuyên diễn ra còn là hệ quả khó tránh khỏi của phương thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chạy theo phong trào, không có quy hoạch giữa sản xuất và thị trường, thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ...
Để khắc phục căn bệnh kinh niên trên, điều quan trọng là người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, “đón đầu” thị trường trong sản xuất để tránh tình trạng cung - cầu bất cập. Ở các nước nông nghiệp tiên tiến, nông dân sản xuất qua hợp đồng, có đầu ra sản phẩm mới tính đến sản xuất nên tránh được rủi ro về giá, bảo đảm thu nhập.
Cách nay hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80 về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”. Đây là chủ trương đúng đắn, là giải pháp có khả năng tạo sự ổn định cho sản xuất và nâng cao đời sống nông dân. Vì vậy, cùng với chương trình tín dụng mới có tác động như một “cú hích” mang tính động lực tạo đột phá, thì vẫn rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và thực chất của các cấp, ngành liên quan để “tam nông” thực sự phát triển bền vững.
Hải đăng