Xăng dầu bán lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn
Hiện nay việc bán lẻ xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ lắc tay, chai lọ, can thùng và các vật dụng chứa đựng khác (gọi chung là vật dụng chứa đựng khác) ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Do đó, bên cạnh biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phòng chống cháy nổ.
Theo quan sát của chúng tôi, trên các tuyến đường trong tỉnh, đặc biệt ở nội thành Quy Nhơn, việc người dân kinh doanh bán lẻ xăng dầu sử dụng các vật dụng chứa đựng khác rất nhiều. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cung cấp xăng dầu không rõ nguồn gốc, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Các điểm bán này thường mua số lượng lớn xăng dầu để lưu trữ nhưng không có bất cứ biện pháp bảo quản nào, dễ dẫn đến các trường hợp cháy nổ. Theo quy định, để kinh doanh mặt hàng xăng dầu, người bán bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về việc phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhiều người bán xăng dầu qua các vật dụng chứa đựng khác lại không ý thức được rằng hành vi của họ chẳng những đã vi phạm pháp luật mà còn rất nguy hiểm.
Thực tế cho thấy, chuyện cháy nổ liên quan đến hành vi kinh doanh bán lẻ xăng dầu trái phép đã xảy ra khá nhiều lần ở tỉnh ta và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhiều hệ lụy đau lòng. Đơn cử như một vụ cháy xe máy khi đang đổ xăng, tại điểm bán lẻ tại đèo Nhông, đoạn QL 1A, qua huyện Phù Mỹ vào đầu năm 2014. Do bất cẩn xăng tràn ra can nhựa, thấm vào sườn xe, khi người mua xăng đề máy thì bị chập điện gây cháy; may mà sẵn có dịch vụ đổ nước mui xe nên vụ cháy được dập tắt kịp thời nên thiệt hại không lớn. Hoặc trường hợp chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (32 tuổi, ở tổ 4, KV 2, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), cuối năm 2013, khi đi làm về thì xe máy hết xăng, chị Nga nhờ cháu trai mua xăng được đựng trong túi nilon. Sau đó, đứa con trai của chị cầm túi xăng đưa cho chị trong khi chị đang nấu ăn bằng củi. Do bất cẩn, bé bị vấp ngã nên cả bé và túi xăng ập vào người chị; lửa bén, toàn thân chị Nga đã bị bỏng nặng, thương tích đến 99%.
Thượng tá Trần Xuân Chí, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), nhìn nhận: “Hành vi bán lẻ xăng dầu qua các vật dụng chứa đựng khác thường kèm theo những rủi ro cao. Tai nạn nguy hiểm về người, nhất là ở công đoạn sang chiết từ vật dụng này sang vật dụng khác chiếm hơn 80% các vụ cháy xăng dầu. Chúng tôi đã chấn chỉnh nhiều, nhưng sắp tới sẽ phối hợp với ngành chức năng và địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm khắc hơn”.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 600 điểm kinh doanh xăng dầu bằng trụ bơm lắc tay, cột bơm mini, chai lọ, can thùng và các vật dụng chứa đựng khác được bày bán dọc đường. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Công Thương, cho biết: Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng đã có hiệu lực. Tuy nhiên, để Nghị định thực tế đi vào cuộc sống, Sở Công Thương đang thực hiện công tác tuyên truyền đối với các điểm bán lẻ xăng dầu qua các vật dụng chứa đựng khác nhằm giúp người bán hiểu rõ những nguy cơ tiềm ẩn và điều chỉnh lại hành vi. Sau đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác rà soát, thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này.
Theo Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng: Từ ngày 10.10.2013, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các vật dụng chứa đựng khác; hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật.
PHÚC LỘC