Nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật cho người khuyết tật
Theo đánh giá của các đại biểu là đại diện cho Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Người mù, tại buổi tọa đàm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật, do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức vào ngày 14.3, số NKT được tư vấn, trợ giúp còn ít so với nhu cầu thực tế.
Cụ thể, tính từ tháng 5.1998, khi Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thành lập, đến nay chỉ có 98 trường hợp NKT được TGPL. Sở dĩ có con số khiêm tốn này là do sự phối hợp trong công tác tuyên truyền đến NKT giữa các hội, ngành chưa đồng bộ và cũng chưa được hiệu quả. Hơn nữa, NKT có tâm lý mặc cảm, tự ti nên dẫn đến hạn chế trong việc bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình cũng như tìm cách bảo vệ quyền lợi pháp lý hợp pháp của mình.
Ông Bùi Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, cho biết: “Đa số nhận thức của NKT về TGPL chưa đầy đủ, dù biết mình được TGPL nhưng họ không hiểu rõ TGPL là gì, cơ quan nào có thể TGPL cho NKT. Do NKT còn hạn chế trong việc hòa nhập và giao tiếp cộng đồng, trình độ học vấn thấp, nên việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chính mình còn hạn chế”.
Như trường hợp của anh Nguyễn Minh Châu (SN 1968, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) chẳng hạn. Bản thân bị khuyết tật nặng, lại mồ côi cha mẹ nên anh Châu không có bất cứ một giấy tờ tuỳ thân nào. Mỗi khi đi khám chữa bệnh hoặc làm bất cứ việc gì liên quan đến tình trạng nhân thân, pháp lý, anh đều bị từ chối. Mặc cảm bản thân, phần thiếu hiểu biết pháp luật nên đã có lúc anh chấp nhận cuộc sống không giấy tùy thân. Sau khi được hướng dẫn, anh đã tìm đến Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh để nhờ hỗ trợ. Anh Châu xúc động chia sẻ: “Tôi đến đấy hai lần, làm đơn trình bày, rồi họ đi xác minh. Khác xa suy nghĩ của tôi, cứ tưởng phải tốn rất nhiều tiền mà mất thời gian, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã có đầy đủ giấy tờ tùy thân. Trước đây, muốn thuê nhà hay đi khám bệnh tôi đều rất ngại vì không có giấy tờ tùy thân như mọi người, nhưng nay tôi đã là một công dân thực sự”.
Nhằm nâng cao nhận thức của NKT hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình trong TGPL, tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, tập trung vào công tác tuyên truyền. Theo đó, cần triển khai các phương thức truyền thông pháp luật và TGPL đặc thù phù hợp với NKT, đặc biệt chú trọng công tác phối hợp tuyên truyền với các hội: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Người mù. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền xuống cơ sở, để không chỉ giúp NKT hiểu về quyền lợi của mình mà cả những người cán bộ ở cơ sở cũng nắm rõ quy định, từ đó giúp NKT có thêm kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, nhìn nhận: “Thực tế, NKT bị khiếm khuyết về nghe, nhìn hoặc nói, đi lại, hơn nữa trình độ hiểu biết hạn chế nên khi diễn đạt vụ việc thiếu chính xác, thường thì chỉ theo cảm tính, thiếu các bằng chứng cụ thể… Từ đó, để bảo vệ quyền và lợi ích cho họ, cán bộ TGPL phải giải thích các quyền và nghĩa vụ của NKT; trực tiếp làm việc với NKT để thu thập các thông tin, liên hệ với các cơ quan chức năng để thu thập các bằng chứng, giải thích cho NKT bản chất của vụ việc, các quy định của pháp luật, từ đó mới có hướng bảo vệ quyền và lợi ích cho họ”.
K.ANH