Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp thể hiện rõ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân nhưng bổ sung và phát triển nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2) theo tinh thần của Cương lĩnh năm 2011. Đây là điều mới quan trọng của Hiến pháp so với các bản Hiến pháp trước đây vì lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” được ghi nhận trong Hiến pháp. Việc kiểm soát quyền lực được hiến định là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Nguyên tắc này đã được thể hiện trong các Chương V,VI, VII, VIII và IX của Hiến pháp và tạo cơ sở hiến định cho việc tiếp tục thể chế hóa trong các quy định của các luật có liên quan.
Cũng lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp” được ghi nhận và phát triển thành nguyên tắc trong Hiến pháp. Theo đó, Nhân dân thực hiện quyền nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6) mà không chỉ thông qua Quốc hội và HĐND như Hiến pháp 1992. Nguyên tắc này được thể hiện nhất quán trong toàn bộ Hiến pháp, từ chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đến các thiết chế trong bộ máy nhà nước cũng như trong việc sửa đổi Hiến pháp.
Tuy nhiên, gần đây một số người cho rằng: “Nhà nước nào, chế độ nào cũng được miễn là dân giàu, nước mạnh”. Nhìn hình thức thể hiện có vẻ khách quan, trung lập trong lựa chọn chế độ chính trị xã hội và thái độ của họ đối với loại hình nhà nước mà chúng ta đang xây dựng. Nhưng đằng sau đó là sự phản đối công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Trong đó, Đảng ta, dân tộc ta, hệ thống chính trị Việt Nam đã lựa chọn chế độ chính trị xã hội XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Do vậy, về thực chất quan niệm “Nhà nước nào, chế độ nào cũng được miễn là dân giàu, nước mạnh” là sự tiếp nối ý đồ của các thế lực thù địch về quan niệ m “sai lầm lịch sử” cùng với sự giả nhân, giả nghĩa của họ đối với dân giàu, nước mạnh.
Cũng cần nhắc lại rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về lựa chọn con đường cứu nước và phát triển đất nước Việt Nam là tư tưởng đúng đắn, khoa học, vừa phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa tôn trọng các giá trị lịch sử của dân tộc, đặc biệt kế thừa tinh thần yêu nước của Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, vừa mang dấu ấn cá nhân của Người trong phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân và các anh hùng giải phóng dân tộc lên một tầm cao mới, giá trị của nó không chỉ có tầm dân tộc, mà còn tầm nhân loại và quốc tế. Đại bộ phận những người yêu công lý, lẽ phải của thế giới đều đánh giá cao con đường Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn. Con đường đúng đắn, phù hợp với thời đại, sát đúng với thực tiễn dân tộc, đã đưa dân tộc Việt Nam đến những thắng lợi vĩ đại: giải phóng dân tộc, giành lại độc lập toàn vẹn lãnh thổ, đưa cả nước quá độ lên CNXH, hội nhập thành công vào thế giới hiện đại với tinh thần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc vì CNXH, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
TRUNG NGÔN