Nhân Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2014:
Nỗi lo bệnh nghề nghiệp
Dù đã có nhiều sự quan tâm hơn, nhưng nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp của người lao động vẫn còn khá cao. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng và đơn vị sử dụng lao động, bản thân người lao động phải tự bảo vệ sức khỏe trước mối nguy bệnh nghề nghiệp.
29,1% và 35,9%
Đó là tỉ lệ lao động có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và tỉ lệ lao động được khám sức khỏe định kỳ trong năm 2013 - theo thống kê của TTYT Dự phòng tỉnh. So với năm 2012, tỉ lệ lao động có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp giảm 9,5%, tỉ lệ lao động được khám sức khỏe định kỳ tăng 10,9%. Bên cạnh đó, trong năm 2013, số cơ sở thực hiện giám sát môi trường lao động cũng tăng 9,5% so với năm 2012. Những con số này cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ngày càng được quan tâm hơn.
Bình Định là 1 trong 25 tỉnh trọng điểm được Cục Quản lý môi trường Y tế quan tâm hỗ trợ để thực hiện Chương trình Quốc gia Phòng chống bệnh nghề nghiệp và Chăm sóc sức khỏe người lao động giai đoạn 2011-2015. Trong khuôn khổ của Chương trình, mô hình phòng chống bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp đã được xây dựng tại một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác chế biến đá granite. Mô hình phòng chống bệnh lao nghề nghiệp cũng được triển khai tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.
Phó Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh Trình Công Tuấn cho rằng, việc thực hiện Chương trình này đã thúc đẩy các đơn vị thường xuyên cải thiện điều kiện lao động, tổ chức khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và làm các thủ tục để chuyển cơ quan Bảo hiểm Xã hội giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội và cách ly kịp thời người lao động mắc bệnh.
Theo ông Phan Lâm Phùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, BVĐK tỉnh, hằng năm Bệnh viện đều hợp đồng với Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đo độ nhiễm xạ các khu vực xung quanh vị trí đặt máy có tia xạ và tia X. Đồng thời, đo độ nhiễm xạ của những nhân viên trực tiếp làm việc với các thiết bị này. “Nhờ đó, chúng tôi chủ động nâng cao cảnh giác thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho cán bộ nhân viên. Đến thời điểm này chưa ghi nhận người mắc các bệnh lý do tia xạ, tia X gây ra”, ông Phùng cho biết.
Còn đó nỗi lo
Trong năm 2013, đã có 418 lao động được khám sàng lọc phát hiện bệnh nghề nghiệp, trong đó có 53 người mắc và nghi ngờ mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. “Tại tỉnh ta, bệnh bụi phổi silic là bệnh nghề nghiệp có tỉ lệ mắc cao nhất, chiếm khoảng 98% các trường hợp mắc. Nguyên nhân chính là tỉnh ta có nhiều đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến đá granite, khai thác khoáng sản, người lao động thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp trong điều kiện đảm bảo vệ sinh lao động còn hạn chế”, ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp, TTYT Dự phòng tỉnh, phân tích.
Nhiều người công tác trong ngành Y tế cho rằng, nguy cơ bệnh nghề nghiệp còn đe dọa đến sức khỏe của thế hệ thứ 2. Đơn cử, một cặp vợ chồng cùng công tác trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn lao có một con trai mắc lao màng não ngay từ lúc mới sinh ra, dẫn đến đời sống thực vật.
Bên cạnh đó, những người làm việc trong ngành Y tế cũng có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp rất cao, nhất là nhân viên chụp X-quang, người trực tiếp khám và chăm sóc bệnh nhân lao, viêm gan… Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, môi trường có yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp là toàn bệnh viện. Ông Nguyễn Quang Chung, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của Bệnh viện, cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại đây, có 7 cán bộ, nhân viên của chúng tôi mắc bệnh phổi nghề nghiệp. Đó là chưa kể số người phát hiện sớm, có chuyên môn nên tự điều trị khỏi bệnh, không báo cáo với cơ quan”.
Ông Chung cũng cho hay, mắc bệnh phổi nghề nghiệp nhiều nhất là những người làm xét nghiệm, thường xuyên tiếp xúc với bệnh phẩm (3 trường hợp). Tiếp đến là điều dưỡng, hộ lý trực tiếp chăm sóc bệnh nhân (2 trường hợp). Đáng chú ý, bộ phận hành chính tưởng chừng không mấy liên quan, nhưng vẫn mắc bệnh phổi nghề nghiệp (1 lái xe và 1 người ở bộ phận điện, nước).
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, trong khi nguy cơ bệnh nghề nghiệp vẫn còn cao, thì nhiều đơn vị lại chưa chú trọng đúng mức đến công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Ý thức của người lao động, người sử dụng lao động chưa cao, còn đối phó khi có đoàn kiểm tra. “Không ít người vẫn giấu bệnh nghề nghiệp vì sợ mất việc. Để bảo vệ sức khỏe, người lao động phải tự tìm hiểu và sử dụng các quyền của mình liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, ông Trọng nhấn mạnh.
Với người lao động trong các cơ sở y tế, việc tự bảo vệ sức khỏe của mình càng có ý nghĩa quan trọng. Bà Phan Thị Thanh Hoa, Ủy viên Hội đồng Bảo hộ lao động của BVĐK tỉnh, chia sẻ: “Trong nhiều ca cấp cứu, các bác sĩ, điều dưỡng tất bật cứu bệnh nhân mà không kịp mang khẩu trang. Đến khi cấp cứu xong, chuyển qua chuyên khoa điều trị mới biết bệnh nhân mắc lao. Rõ ràng, ở môi trường làm việc có nguy cơ càng cao thì người lao động càng phải có ý thức cao trong thực hiện bảo hộ lao động”.
NGUYỄN VĂN TRANG