Đội bả trạo thôn Bình Thái:
Gìn giữ nét đẹp văn hóa miền biển
Đội bả trạo ở thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) có nét độc đáo riêng nhờ bảo tồn tốt nghệ thuật hát múa bả trạo theo “dị bản” mang bóng dáng của một thể loại hát bội cổ. Nhiều năm qua, đội bả trạo thôn Bình Thái đã góp phần tích cực trong việc quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống miền biển.
Đồng lòng gìn giữ truyền thống
Trải qua hàng thế kỉ, đội bả trạo thôn Bình Thái vẫn duy trì nhờ ý thức tiếp nối của biết bao thế hệ để gìn giữ một nghi thức tế lễ và loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, gắn kết giữa yếu tố tâm linh với những ước vọng của cư dân miền biển về những chuyến ra khơi an lành, cuộc sống no đủ trước nhiều thử thách sóng gió biển khơi… Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình của Sở VH-TT&DL, nhận xét: “Hát múa bả trạo ở thôn Bình Thái có những nét độc đáo riêng không lẫn lộn với các đội bả trạo ở miền biển nào khác. Trong toàn bộ vở tuồng hát múa bả trạo sử dụng rất nhiều làn điệu phong phú như hát nam xuân, nam ai, nói lối, ngâm xướng, hò…”.
Hiện tại, đội hát múa bả trạo thôn Bình Thái có 24 thành viên chính, đảm nhiệm các nhân vật gồm: 4 tổng sanh, tổng lái, tổng cờ, tổng thương; 2 bộ hổ, 2 lồng đèn và 16 trạo phách. Giữ vai trò quan trọng nhất là “nhạc trưởng” tổng sanh điều khiển toàn đội thực hiện các lớp trong vở diễn hát múa bả trạo. Ông Hồ Thành Long, tổng sanh của đội bả trạo thôn Bình Thái, cho biết: “Người được lựa chọn đóng nhân vật tổng sanh phải có thâm niên biểu diễn bả trạo và ít nhất phải từ 50 tuổi trở lên. Suốt 10 năm qua, dựa trên kinh nghiệm tích lũy được và học hỏi thêm từ những lớp người trước, tôi cố gắng rèn luyện để nhịp gõ sanh của mình hòa theo nhịp chèo của các trạo, để các nhân vật trong vở diễn hát hay và không bị lạc giọng”.
Các nhân vật giữ vai trò quan trọng khác trong đội bả trạo thôn Bình Thái cũng tâm huyết, gắn bó, nỗ lực rèn luyện để hoàn thành tốt vai diễn của mình. Anh Mai Ngọc Thắng (38 tuổi), tổng thương của đội bả trạo thôn Bình Thái, bày tỏ: “Đi biển quanh năm nơi đầu sóng ngọn gió, ít có thời gian luyện tập cùng đội bả trạo. Những lúc lênh đênh trên biển khơi, tôi vừa lao động vừa lẩm nhẩm tập hát nhiều làn điệu đa dạng và khó để nhuần nhuyễn dần vai tổng thương đã được 13 năm”.
Trong điều kiện người dân trong thôn thường xuyên ra khơi đánh bắt, con em trong độ tuổi học sinh đã được vận động để đảm bảo được sự ổn định về nhân lực và tính kế thừa giữ gìn truyền thống. Anh Hồ Lê Ty (19 tuổi) tâm sự: “Tôi tham gia đội bả trạo từ sự yêu thích và muốn góp phần gìn giữ truyền thống của vạn chài mình. Lúc còn là học sinh, mỗi lần cần có thời gian tập luyện và đi biểu diễn gần xa, thôn đều cử người xin phép UBND xã Phước Thuận và nhà trường để tạo thuận lợi cho chúng tôi hăng hái tham gia”.
Quảng bá nét đẹp văn hóa miền biển
Trong lễ hội cầu ngư vừa được tổ chức tại thôn Bình Thái, hàng ngàn người dân trong và ngoài thôn đã được xem đội bả trạo biểu diễn. Sáng 16.3, đội bả trạo theo các ghe ra đầm Thị Nại tham gia nghi thức nghinh rước thủy thần nhập điện; tối, lại tiếp tục biểu diễn đầy đủ hơn lớp lang của vở bả trạo để phục vụ người đến xem chật kín bãi đất rộng khu vực phía trước lăng ông thôn Bình Thái.
Hăng hái ngồi chờ từ đầu tối để xem bả trạo, ông Ngô Văn Tỏ (68 tuổi), ở thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận, bộc bạch: “Tôi đến thôn Bình Thái xem bả trạo từ khi còn nhỏ, đến nay vẫn hứng thú. Thấy độc đáo nhất là những đoạn hò của nhân vật nhưng không biết là thể điệu hò gì, bởi nó rất khác với nhiều điệu hò ở các vùng, miền mà tôi đã được nghe”.
Đội bả trạo thôn Bình Thái có bề dày truyền thống và nét độc đáo riêng nên thường xuyên được mời tham gia các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh. Sự đặc sắc của đội bả trạo cũng góp phần quan trọng để Sở VH-TT&DL lựa chọn lễ hội cầu ngư ở vạn chài Bình Thái thực hiện dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Đội bả trạo thôn Bình Thái thường đại diện cho huyện Tuy Phước tham gia các ngày hội Văn hóa-Thể thao miền biển tỉnh, qua đó được Sở VH-TT&DL tặng giấy khen về thành tích xuất sắc. Tại lễ hội chợ Gò Tết Giáp Ngọ 2014, đội bả trạo này lần đầu tiên góp mặt cũng đã tạo được nhiều ấn tượng tốt cho người dân và du khách”.
Năm 2011, đội bả trạo thôn Bình Thái đã vinh dự được cử là đại diện cho tỉnh Bình Định tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên tổ chức tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại Festival Thủy sản Việt Nam tổ chức tại tỉnh Phú Yên vào cuối tháng 3 tới, Sở VH-TT&DL cũng đã đề xuất UBND tỉnh cử đội bả trạo thôn Bình Thái tham gia trình diễn trong lễ hội cầu ngư để góp phần quảng bá, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân miền biển.
HOÀI THU