“Ai giúp chúng tôi gỡ nỗi khổ này !”
Tháng 2 vừa qua, trong một lần đến tham quan làng nón Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), tôi và nhiều người đi cùng đoàn thật sự ngạc nhiên khi biết tại đây, không chỉ có các loại nón lá hay nón ngựa Bình Định mà một số nghệ nhân địa phương còn làm cả nón Huế. Người dân gọi loại nón lá này là nón bài thơ Huế, vì trên nón được lồng vào những câu thơ, hình ảnh đặc trưng về miền đất này. Dĩ nhiên, toàn bộ nón Huế đều được tiêu thụ ở thị trường xứ Huế. Những nghệ nhân ở thôn Phú Gia cho biết, nón bài thơ Huế “ra lò” từ làng nón Bình Định đã gần hai chục năm qua…
Tại làng nón Phú Gia, từ nguyên liệu đến cách thức làm nón bài thơ Huế cũng tương tự như các loại nón lá khác. Có chút lưu ý ở khâu chọn nguyên liệu, đó là lá vặn để làm nón bài thơ Huế thường được chọn dùng khi lá còn non, có màu trắng xanh cùng độ óng. Ở Phú Gia, nón bài thơ Huế được xếp vào loại “trung lưu”, sau loại “cao cấp” là nón ngựa Bình Định, bởi giá cả cũng như độ tinh xảo, kỳ công của nón. Điểm khác biệt lớn nhất và có lẽ cũng là lý do chính làm nên tên gọi nón bài thơ Huế nằm ở “nhãn hiệu” mang hàm ý xuất xứ hiện diện trên mỗi chiếc nón. Đó là những câu thơ, hình ảnh đặc trưng về Huế được lồng khéo léo giữa hai lớp lá và khi soi lên ánh sáng sẽ thấy được.
Nghề làm nón lá ở Huế đã có từ khoảng 300 - 400 năm về trước, rất có thể còn xuất hiện trước Bình Định. Huế có nhiều làng nghề làm nón truyền thống nổi tiếng như: Tây Hồ, Phủ Cam, Đốc Sơ, Dạ Lê… Nón bài thơ Huế xuất hiện vào khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ XX từ sáng kiến, sự khéo léo và lòng yêu thơ phú của một nghệ nhân làng nón Tây Hồ. Và người Huế cũng đã xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho chiếc nón lá Huế, vì thế chiếc nón lẫn người làm ra không bị thiệt thòi. Phải nói dài dòng như thế để tránh hiểu nhầm là người Bình Định làm ra nón bài thơ Huế hoặc một phần hay tất cả nón bài thơ Huế do nghệ nhân làng nón Bình Định làm ra.
Nói đến chuyện nón bài thơ Huế được sản xuất tại Bình Định, bởi nghệ nhân Bình Định, để buồn và lo ngại một điều rằng, còn bao nhiêu sản phẩm làng nghề truyền thống của Bình Định phải xuất hiện dưới tên một địa phương khác? Tương tự như nón bài thơ Huế, nghệ nhân làng nón ngựa Phú Gia cũng từng “bấm bụng” thêu tên các tỉnh, thành phố có nền du lịch phát triển lên chiếc nón quê mình. Họ so sánh, rằng con mình đẻ ra, không được mang họ mình, ức lắm chớ, buồn lắm chớ! Nhưng để bán được nón, để còn nối nghiệp cha ông, họ đành làm theo quy luật “cầu - cung”.
Trước lúc tạm biệt ra về, chúng tôi hỏi người làng nón: có muốn in, thêu, lồng những câu ca dao về Bình Định lên chiếc nón quê mình không? Những câu như Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định cầm roi đi quyền; Muốn ăn bánh ít lá gai, lấy chồng Bình Định cho dài đường đi; Ai về Bình Định ba ngày, dặn mua chiếc nón lá dày không mua… Người làng nón nói ngay: Muốn lắm chớ, tha thiết lắm chớ! Nhưng hổng có ai đặt hàng mà tự ý in, lồng thơ của xứ mình lên dzẫy, rồi ai mua? Ai giúp chúng tôi gỡ nỗi khổ này !
KHẢI THƯ