Ông Nguyễn Kim Ngôn - Phó phụ trách Thanh tra KT-BVNLTS, Sở NN-PTNT:
Chế tài xử lý việc khai thác thủy sản bằng các “nghề cấm” còn bất cập
Ông Nguyễn Kim Ngôn
Hiện nay, trên các đầm phá, vùng ven biển tại một số địa phương trong tỉnh, nhiều người sử dụng phương tiện khai thác thủy sản (KTTS) theo kiểu hủy diệt (dưới đây gọi tắt là nghề cấm) vẫn ngang nhiên hoạt động. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Ngôn, Phó phụ trách Thanh tra Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) thuộc Chi cục KT-BVNLTS (Sở NN-PTNT) về vấn đề xử lý và biện pháp chấn chỉnh tình trạng này.
* Nghề cấm - một hoạt động phạm pháp vẫn tồn tại trên các đầm, vùng ven biển tỉnh ta hiện nay, ở góc độ cơ quan KT-BVNLTS, xin ông cho biết chi tiết?
- Tình trạng KTTS bằng nghề cấm như sử dụng xung điện, xiếc máy (XĐXM), chất nổ chưa được chấm dứt triệt để tại các đầm, vùng ven biển tỉnh Bình Định, đặc biệt là sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ (lưới lồng). Đáng chú ý là tình trạng XĐXM trên đầm Đề Gi và đầm Thị Nại diễn biến khá phức tạp. Qua kiểm tra, khảo sát, toàn tỉnh hiện có 1.205 hộ gia đình đang sử dụng 85.057 chiếc lưới lồng (lồng xếp) để KTTS. Tập trung tại các xã ven đầm Trà Ổ huyện Phù Mỹ, các xã khu Đông huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn (đầm Thị Nại và ven biển Quy Nhơn). Do lưới lồng có mắt lưới khá nhỏ (từ 8 -12mm) với mật độ vị trí đặt lưới quá dày, nên khi sử dụng KTTS tại vùng đầm, ven biển hầu như các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ đều bị khai thác đến cạn kiệt, NLTS suy giảm nghiêm trọng.
* Vì sao Nghị định 103/2013/NĐ-CP (NĐ 103) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1.11.2013, nhưng đến nay, tình hình hoạt động “nghề cấm” trên các đầm, phá ven biển vẫn còn xảy ra khá phổ biến, thưa ông?
- So với NĐ 31 trước đây, NĐ 103 có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, trong đó vấn đề quan trọng nhất là tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Chẳng hạn như mức xử phạt tối đa hành vi vi phạm về lĩnh vực KTTS đã tăng hơn gấp đôi, từ 40 triệu đồng tăng lên 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, 200 triệu đồng đối với tổ chức. NĐ 103 cũng tăng thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thủy sản của các đơn vị chức năng thuộc thanh tra chuyên ngành, UBND các cấp cho phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Thế nhưng, các văn bản quy định về thanh tra chuyên ngành (trong đó có thanh tra trong hoạt động KT-NLTS) còn nhiều bất cập, cơ cấu tổ chức thanh tra chuyên ngành tại Chi cục KT-BVNLTS chưa được kiện toàn, dẫn tới lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành trong hoạt động KT-NLTS không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, lực lượng này còn mỏng, kinh phí hoạt động tuần tra hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ công tác tuần tra, truy quét trên phạm vi toàn tỉnh. Do vậy, việc tuần tra kiểm soát phải phối hợp các đơn vị liên quan, các vụ việc vi phạm đều phải chuyển đến các cơ quan liên quan (UBND xã, Đồn Biên phòng ven biển, UBND huyện Tuy Phước…) hoặc tham mưu đề xuất Thanh tra Sở NN-PTNT xử lý, nên rất khó khăn, bị động trong quá trình thanh tra, kiểm tra…
Mặt khác, nhận thức của một số cán bộ, ngư dân ở một số địa phương về công tác bảo vệ NLTS chưa đầy đủ, buông lỏng, ngại va chạm. Việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các đối tượng sử dụng nghề cấm rất khó khăn; các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi và phức tạp. Có những trường hợp người vi phạm còn manh động, chống đối lực lượng tuần tra kiểm soát, nên việc tuần tra ngăn chặn, phát hiện, xử lý gặp nhiều trở ngại.
* Để ngăn chặn nghề cấm hoạt động, Chi cục sẽ có biện pháp gì để chấn chỉnh?
- Trước mắt, Chi cục đề xuất và trình cấp thẩm quyền (Sở NN PTNT, UBND tỉnh) kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của bộ phận thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục KT-NLTS (theo Nghị định 07/ND-CP về thanh tra chuyên ngành). Qua đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành KT-NLTS sẽ có đủ thẩm quyền để xử lý trong lĩnh vực này. Thứ hai, Chi cục sẽ chủ động phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan, nòng cốt là các “Nhóm hạt nhân”, “Nhóm đồng quản lý NLTS” như: Nhóm hạt nhân khu vực đầm Trà Ổ, Nhóm đồng quản lý khu vực Bắc đầm Thị Nại, Tổ tự quản NLTS Mỹ Chánh - Cát Khánh, Nhóm đồng quản lý Nhơn Lý - Nhơn Hải - Ghềnh Ráng, Đội bảo vệ NLTS Nhơn Châu, Đồn Biên phòng Nhơn Lý, Chi cục Biển và Hải đảo Bình Định… Bên cạnh đó, Chi cục tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát Đường thủy, Đội phòng chống XĐXM huyện Tuy Phước, Hội đồng điều hành liên xã Bắc đầm Thị Nại tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm KTTS trong đầm, trên biển.
Riêng đối với hoạt động ngư cụ lưới lồng, đến nay vẫn chưa có văn bản, cơ sở khoa học và điều khoản pháp lý nào quy định cấm, nên rất khó cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm. Để sớm chấn chỉnh tình trạng sử dụng lưới lồng KTTS, hiện nay Chi cục đang phối hợp với chính quyền địa phương (Phòng Nông nghiệp/Kinh tế huyện ven biển, UBND xã) điều tra, khảo sát thực trạng sử dụng lưới lồng; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng ngư cụ lưới lồng để KTTS…; tiến hành tham vấn cộng đồng ngư dân về ảnh hưởng của hoạt động lưới lồng đối với môi trường sinh thái, NLTS và đề nghị ngư dân ký cam kết không sử dụng lưới lồng để KTTS; tổ chức hội thảo cấp xã, cấp huyện/thành phố để hoàn thiện dự thảo Quy định quản lý hoạt động lưới lồng. Đồng thời Chi cục gửi văn bản kiến nghị Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và BVNL) có ý kiến và chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về quản lý đối với hoạt động khai thác thủy sản bằng lưới lồng, đó là cơ sở pháp lý để trình UBND tỉnh ban hành quy định.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (thực hiện)